Mối phúc của những người bé nhỏ
Ơn gọi của một Nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ
Chính Đức Mẹ Phù Hộ trong lần gặp gỡ đầu tiên đã ghi dấu lịch sử ơn gọi của Eusebia, như chị đã kể lại: “Vào một Chúa nhật, khi chúng tôi đang ra khỏi Nhà thờ của các Cha dòng Tên (ngôi nhà thờ nổi tiếng tại Salamanca), cùng đi có một số thiếu nữ khác đang lắng nghe bài giảng, tôi nhìn thấy một đoàn rước đang đi ngang qua và tôi đã hỏi xem đoàn rước cái gì. Họ cho tôi biết đó là Đức Mẹ Phù Hộ đang đi ra khỏi nhà của các Salêdiêng. Vì thế, tôi đã đợi để xem. Khi đoàn rước đi tới chỗ tôi đứng, họ dừng lại ngay phía trước tôi, và khi nhìn thấy Mẹ Phù Hộ, tôi lập lức bị hấp dẫn. Tôi quỳ xuống và sốt sắng thưa với Mẹ: “Lạy Mẹ của con, Mẹ biết con luôn muốn làm những gì Mẹ vui lòng, luôn muốn được là Con của Mẹ và trở nên một vị thánh”. Tôi cầu nguyện sốt sắng đến nỗi nước mắt lăn trên má. “Mẹ biết, nếu con có đủ tiền, con sẽ vào một nhà nào đó và trở thành một nữ tu, để phục vụ Mẹ tốt hơn, nhưng con chỉ là một cô bé nghèo hèn khốn khổ và con chẳng có gì cả”. Trong tâm hồn, tôi cảm nhận một điều gì đó thật lớn lao, một niềm an ủi và sự thỏa lòng, khiến tôi đã khóc rất nhiều. Hai tuần sau biến cố ấy, tôi đã đến nhà các Sơ Salêdiêng.
Và khi tôi đến, đã có Sơ Concepción Asencio đứng ở cửa dẫn tôi vào nhà nguyện. Tôi chỉ vào khi nhìn thấy Đức Mẹ Phù Hộ, và ngay khi nhìn thấy, tôi đã cảm nhận sự vĩ đại trong lòng mà không thể giải thích được, tôi đã quỳ gối dưới chân Mẹ. Và tôi nghe được tiếng Mẹ nói với tôi: “Đây là nơi Mẹ muốn con ở lại”. Các Nữ tu Con Đức Mẹ Phù Hộ đã quyết định giữ tôi lại giúp trong cộng đoàn. Eusebia đã sẵn sàng đón nhận và ngay lập tức tham gia công việc: chị giúp nhà bếp, lấy củi, lau nhà, giặt giũ, hộ trực các nhóm học sinh đến trường và làm một số việc nho nhỏ trong thành phố. Ao ước bí mật của Eusebia là được dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa giờ đã trở thành nguồn cảm hứng và mục tiêu của mọi lời cầu nguyện, của mọi việc chị làm. Chị chia sẻ: “Nếu tôi chu toàn tốt các việc bổn phận, Đức Nữ Trinh sẽ hài lòng và một ngày nào đó tôi có thể trở thành con của Mẹ trong Tu hội”. Chị không dám hỏi xin vì thấy mình quá nghèo khó, thất học. Chị không thấy mình xứng đáng với hồng ân cao cả ấy: chị nghĩ, đây là một Hội Dòng lớn.
Mẹ Kinh Lý đã tin tưởng nơi chị, đón nhận chị với tình mẫu tử và đảm bảo với chị rằng: “Đừng lo lắng về bất cứ điều gì”. Nhân danh Mẹ Bề Trên Tổng Quyền, Mẹ Kinh Lý đã tiếp nhận chị vào Tu hội. Chị được gởi đến nhà Valverde del Camino, một khu vực nhỏ với khoảng 9.000 cư dân vào thời bấy giờ, ở cuối vùng Tây Bắc của nước Tây Ban Nha, trong vùng mỏ Andalusia gần biên giới Bồ Đào Nha.
Các nữ sinh trong trường và Nguyện xá khi gặp chị lần đầu đã không giấu vẻ thất vọng: người mới tới không có sáng giá, nhỏ nhắn và xanh xao, không xinh đẹp và thậm chí có một cái tên xấu nữa. Còn chị thì hạnh phúc “được ở trong nhà của Thiên Chúa mọi ngày trong đời chị”. Trong khung cảnh “tuyệt vời” này, con tim chị sống trong tình yêu, chị cảm thấy được trân trọng một cách đặc biệt.
Các trẻ nữ đến nhà các Sơ đã mau chóng say mê các câu chuyện của chị về các vị truyền giáo, hay đời sống của các thánh, những câu chuyện về lòng sùng kính Mẹ Maria, những giai thoại về Don Bosco mà chị nhớ được, chị đã kể rất hấp dẫn và thuyết phục vì niềm xác tín cá nhân và đức tin đơn sơ của chị.
Dần dần các thiếu nữ tinh nghịch cũng đến, các em lớn hay phê bình và xuyên tạc cũng đến, vì các em tìm được nơi người nữ tu nhỏ bé này một sự hấp dẫn không giải thích được, một hương hoa thánh thiện dẫn đưa các em vào một thế giới mà các em không biết.
Ngay cả ở ngoài Nguyện xá, người ta cũng bắt đầu nói về sự thánh thiện, rồi họ tới sân chơi, lôi kéo cả các phụ huynh học sinh, người lớn và các chủng sinh trẻ tìm đến xin lời khuyên. Vài năm sau, nhiều thiếu nữ này sẽ ở trong số các thỉnh sinh tại Barcellona-Sarrià. Và Mẹ Covi – Giám tỉnh, rất ngạc nhiên vì có nhiều ơn gọi đã hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra ở Valverde?”. Các em cho biết có một Sơ trong nhà bếp bị bệnh hen suyễn nhưng kể chuyện rất hay cho các em thiếu nữ hấp dẫn các em. Rồi có những linh mục cũng trở về với người Nữ tu khiêm tốn, không có chuyên môn thần học, nhưng có một trái tim tràn đầy sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Chẳng bao lâu đã có rất nhiều sự kiện và giai thoại được truyền tai nhau. Các chủng sinh, nữ tu, linh mục, các thiếu nữ đến hỏi Sơ Eusebia về tương lai của họ, trong khi đó Sơ vẫn giúp việc giặt giũ, vườn tược hoặc làm bếp. Chị khuyên mọi người cách bình thản, mô tả tương lai của họ, khích lệ họ đến những ơn gọi cao cả. Và nếu có ai hỏi chị làm sao chị biết được những điều ấy, chị đã từng trả lời với cùng một câu mà Don Bosco đã nói nhiều lần: “Tôi nằm mơ”.
Mọi điều về Sơ Eusebia đều phản chiếu tình yêu Thiên Chúa và niềm khát khao mãnh liệt làm cho mọi người yêu mến Người: những ngày bận rộn của chị liên tục thể hiện điều này và những đề tài đối thoại yêu thích của chị đều khẳng định điều đó: đầu tiên là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mọi người, và cuộc khổ nạn của Người đã cứu rỗi họ. Những vết thương của Đức Giêsu là cuốn sách mà Sơ Eusebia đọc mỗi ngày, và từ đó, chị rút ra những bài học qua “lời kinh Mân côi” đơn sơ mà chị thường xuyên nhắc nhở mọi người.
Trong những lá thư, chị là một tông đồ của lòng sùng kính Lòng Thương Xót theo những mặc khải mà Chúa Giêsu đã truyền cho thánh Faustina Kowalska. Một điểm nhấn khác mà Sơ Eusebia thường xuyên nhắc đến và dạy Giáo lý là “lòng sùng kính Đức Maria thực sự” mà thánh Louis M. Grignon de Montfort dạy. Linh hồn và con tim tông đồ của Sơ Eusebia trong toàn bộ đời sống ngắn ngủi của chị: hiến thân cho các thiếu nữ, người trẻ, các bà mẹ, các chủng sinh và linh mục.
Vào đầu thập niên 30, Tây Ban Nha bắt đầu bị Cách mạng làm cho rối loạn, cơn điên của các người vô thần quyết hủy diệt tôn giáo, Sơ Eusebia đã không do dự đi tới tận cùng của đời sống là “sự sẵn sàng”, chấp nhận hủy mình ra không. Chị đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa để xin ơn cứu thoát cho Tây Ban Nha, cho sự tự do tôn giáo. Và Thiên Chúa đã đón nhận của lễ ấy.
“Đời sống là một ơn gọi”
Anh chị em thân mến,
Cha rất vui được chào anh chị em trong Năm mới 2011 này, và hy vọng mỗi người đều nhận được bình an và phúc lành mà Cha trên trời muốn tặng ban qua sự nhập thể của Người Con.
Một trong những phúc lành quan trọng và tốt đẹp nhất cho đời sống chúng ta được nói đến trong bản thi ca chúc tụng trích từ thơ gởi tín hữu Epheso, đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trong đó có viết: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô…” (Ep 1,4-5). Trong lá thư gởi tín hữu Roma, thánh Phaolo cũng diễn tả cùng một tư tưởng: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người…” (Rm 8,29).
Phúc lành quan trọng và lớn lao nhất là đây: Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã thực hiện, chúng ta được mời gọi, thực sự chúng ta được Ngài tạo nên để tái hiện hình ảnh Con của Người qua một điều duy nhất mà chúng ta có thể làm như Người: Yêu thương.
Hai đoạn trích trên đây làm cho chúng ta phải suy nghĩ đến những gì làm cho đời con người có ý nghĩa, nói cách khác là khám phá ra ý nghĩa của sự hiện hữu nhân loại, một giấc mơ được hoàn thành, một sứ mệnh được thực thi trong thế giới này, một ơn gọi làm cho đời chúng ta tròn đầy ý nghĩa, niềm vui, sức sống sinh hoa trái.
Nếu trong năm trước qua những bài viết hàng tháng, Cha đã nói nhiều điều về “Chúa Giêsu của tôi”, thì lần này cha muốn nói với anh chị em về đời sống như một ơn gọi, bởi lẽ giữa ơn gọi và việc loan báo Tin Mừng có một sự liên kết chặt chẽ, theo Bốn Thánh sử Tin Mừng. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng, quy tụ và sai đi. Sau bài viết này như là phần mở đầu, trong những tháng tới, Cha sẽ không nói về ơn gọi theo chiều kích nhân học, thần học hay sư phạm, nhưng sẽ kể cho anh chị em một số kinh nghiệm thực tế của những người vừa sống tốt đời và đẹp đạo, họ đã sống sung mãn đời mình vì khám phá và bước theo ơn gọi của họ.
Đời sống là một ơn gọi và ơn gọi của sự sống
Bước đầu tiên mà Cha đề nghị là “trở về với Don Bosco!”. Cha tin rằng điều này quan trọng lắm để biết được kinh nghiệm của Ngài, để khám phá tiêu chuẩn và thái độ của Ngài cũng như đặc tính những hoạt động của ngài, và từ đó có thể rút ra ánh sáng cho sự dấn thân ơn gọi của chúng ta. Don Bosco đã sống trong một bầu khí đối nghịch với ơn gọi tu trì. Ngày nay sự chống đối Giáo hội cũng đang gia tăng. Tự do tín ngưỡng và việc tuyên truyền của Tin Lành đã gây ảnh hưởng đến nhiều người giản dị, bình dân, bôi nhọ hình ảnh của Giáo hội, Đức Thánh Cha, các Giám mục và Linh mục. Từ đó hình thành trong trí người dân, và nhất là người trẻ một bầu khí luôn đòi tự do và chống giáo sĩ. Don Bosco không thất đảm! Ngài cố gắng tìm ra những dấu chỉ cho thấy ơn gọi của các thanh thiếu niên Ngài gặp gỡ; Ngài đặt các em giữa bạn bè và đồng hành với các em trong tiến trình phát triển. Ngài đã trở nên người đồng cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa. Ngài có những mục tiêu chính xác.
Ngài kiến tạo một bầu khí khiến cho việc đề xuất ơn gọi được đón nhận cách tích cực và dẫn tới sự trưởng thành. Ngài vun trồng một nền văn hóa ơn gọi đích thực, mang đậm nét của một sự hiện diện chứng tá vui tươi giữa thanh thiếu niên; một bầu khí gia đình khích lệ sự cởi mở tâm hồn. Để nuôi dưỡng nền văn hóa này, Don Bosco đã cung cấp một kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ, được nâng đỡ bởi việc đón nhận Bí tích và sùng kính Đức Maria cách đơn sơ nhưng thường xuyên, bằng việc tông đồ giữa các bạn với sự nhiệt tình và sẵn sàng.
Một yếu tố thứ hai mà Don Bosco tập trung vào là sự đồng hành thiêng liêng. Ngài đã hành động tùy theo nhu cầu khác nhau của người trẻ hay người lớn, của các ứng sinh tu triều hay tu dòng hoặc đời sống của một Kitô hữu tốt, người công dân lương thiện. Ngài là một vị Linh hướng chú tâm, cẩn thủ và có một tình yêu sâu xa dành cho Giáo hội. Đó là những điều Don Bosco dạy chúng ta! Chúng ta hãy sống ơn gọi của mình với niềm vui, lòng nhiệt tình và dám đề nghị người trẻ, người lớn, nam và nữ hãy bước theo ơn gọi Salêdiêng như lời đáp trả thích hợp cho thế giới hôm nay, và như một kế hoạch đời sống có khả năng đóng góp cách tích cực vào việc canh tân xã hội hiện tại.
Kiến tạo và kiện cường nền văn hóa ơn gọi
Chúng ta đã nhận thấy Don Bosco đã cố gắng để tạo nên quanh mình một nền văn hóa ơn gọi. “Nền văn hóa” cần phải có một cách thức chia sẻ suy nghĩ và thái độ, trong đó cả cộng đồng cùng sống, cùng làm chứng và đề xuất trong sự nhất trí với các giá trị Kitô giáo. Không thể thực hiện điều này nếu chỉ có hành động riêng rẽ của cá nhân, nhưng phải là hành động nhân danh mọi người; nền văn hóa ơn gọi cần sự dấn thân có hệ thống và khoa học cùng những nỗ lực của toàn cộng thể. Nền văn hóa ơn gọi bao gồm 3 lãnh vực: Nhân học, giáo dục và tông đồ. Lãnh vực thứ nhất giúp hiểu được con đường để trở nên một con người với ơn gọi tự bản chất; lãnh vực thứ hai hướng đến việc kiện cường thái độ trân trọng những giá trị có ích cho ơn gọi; lãnh vực thứ ba chú ý đến mối tương quan giữa ơn gọi và văn hóa, rút ra kết luận từ đó để mục vụ ơn gọi. Mọi hành động hay suy nghĩ được đặt nền trên quan điểm đặc biệt về nhân loại, tự phát hoặc là kết quả của suy tư và những tác động đến những gì chúng ta nói và làm. Những ứng dụng tương tự được thực hiện trong lãnh vực giáo dục và tông đồ.
Đối với người Kitô hữu, cái nhìn này mở ra những kinh nghiệm và hiểu biết của Don Bosco trong ánh sáng niềm tin và luôn đặt Đức Kitô làm khuôn mẫu. Vì thế, mặc khải Kitô giáo không thêm vào kinh nghiệm nhân loại nhưng mặc ý nghĩa sâu xa và vô hạn của nó. Từ quan điểm này, ơn gọi không phải là cái thêm vào, nhưng cho thấy đời sống con người là một “tiếng gọi” Nhiệm vụ đầu tiên của nền văn hóa ơn gọi là rút ra và thăng tiến một quan điểm về đời sống con người được xem như “một tiếng gọi và lời đáp trả”.
Vì mỗi người là một phần của mạng lưới những tương quan, nền văn hóa ơn gọi cần phải dẫn đưa người trẻ ra khỏi cái nhìn về đời sống chỉ chú tâm vào cá nhân và tiêu chuẩn duy nhất là bản thân mình, việc hoàn thành cá nhân là bảo vệ và tìm kiếm những thú vui riêng chứ không phải là mở ra và trao ban. Sự sống là sự rộng mở hướng đến người khác được sống trong những tương quan hằng ngày và mở ra trước sự siêu việt cho thấy con người là một mầu nhiệm, mà duy một mình Thiên Chúa có thể giải thích và chỉ có Đức Kitô mới thỏa mãn được.
Bản chất độc đáo của hiện hữu đòi hỏi sự tập trung vào những giá trị quan trọng được thể hiện trong những chọn lựa. Khi lớn lên và phát triển, các bạn trẻ dần dần đặt sự thành công của họ vào một kế hoạch đời sống và phẩm chất đời sống. Họ cần quyết định đi vào một hành trình dài của cuộc đời với nhiều đổi thay trước mắt họ. Họ không thể sống đời mình hai lần, họ cần phải bước vào. Trong những giá trị họ chọn lựa có cả sự thành công hay thất bại của kế hoạch riêng, phẩm chất và ơn cứu độ cho đời sống của họ.
Chúa Giêsu đã nói rất rõ: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Phàm ai được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống thì có ý nghĩa gì?” (Mc 8,35-36).
Nhiệm vụ của nền văn hóa ơn gọi là khích lệ con người ước muốn lắng nghe những chất vấn của Chúa Giesu, làm cho họ phải suy nghĩ nghiêm túc về điều đó. Vai trò của văn hóa ơn gọi là giúp con người lớn lên và làm những quyết định đúng đắn hướng về Bonum, Verum và Pulchrum (Chân – Thiện – Mỹ), và chỉ khi đáp lại Thiên Chúa thì mới đạt tới sự hoàn thành trọn vẹn con người.
Khám phá và đón nhận sự sống như một hồng ân và trách nhiệm là nhiệm vụ của văn hóa ơn gọi. Ơn gọi là tên mà một người đặt cho đời mình khi tiếp nhận sự sống như một hồng ân và tiếng gọi, đảm nhận đời sống ấy với tinh thần trách nhiệm và tự do hoạch định. Đọc Thánh Kinh, con người sẽ khám phá rằng hồng ân sự sống đã hàm chứa trong đó một dự định; và dự định ấy dần được mặc khải khi con người biết suy tư về đời mình trong ánh sánh những kinh nghiệm của chính mình, trong ánh sáng của lịch sử, của Thiên Chúa và cần một sự đáp trả cá nhân.
Cha Pascual Chavez
Nguyên Bề Trên Cả Gia Đình Salêdiêng
Đọc thêm:
Sr. Eusebia Palomino Yenes – Sr. Giuseppina Teruggi, FMA – Sr. Nguyễn Hiền, FMA chuyển ngữ