Emma
Trong một trận bóng đá, cái mánh “câu giờ” để giữ lợi thế của các cầu thủ đương nhiên không phải là kiểu chơi đẹp, thậm chí có thể bị phạt vì lỗi này. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những lúc cần “câu giờ” một chút để giảm bớt căng thẳng, để làm chùng xuống cơn nóng giận của ai đó, để tạo một khoảng lặng cần thiết giúp mọi người tìm ra giải pháp tốt nhất. Đó là tình huống Chúa Giêsu đã làm, được ghi lại trong Ga 8, 1-11.
Ném hay không ném? Ném hay không ném? … Thầy nghĩ sao? Các kinh sư và người Pharisêu hăm hăm hỏi Chúa Giêsu: Luật Môsê dạy ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, “còn thầy, thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5). Chúa Giêsu không trả lời, Người cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất (Ga 8, 6). Theo chú giải trong ấn bản Kinh Thánh 2011 của nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ, thì việc “viết trên đất là thái độ của người không muốn chú ý đến những người chung quanh, là cử chỉ của người từ chối không muốn nói chuyện với những người khác”. Không hiểu Chúa Giêsu không muốn trả lời, hay chưa muốn trả lời, nhưng rõ ràng khoảng lặng này – dẫu vẫn bị cắt ngang bởi những câu “thầy nghĩ sao?” – là thời gian đáng giá để lương tâm mỗi người vào sân, sẵn sàng đón lấy đường chuyền của Chúa: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7). Và quả thật, những giây phút chuẩn bị đó đã không vô hiệu: “họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8, 9). Lương tâm của mọi người vẫn đủ nhạy bén: họ nhìn nhận mình cũng là người có tội, và không ai kết án người phụ nữ nữa.
Không phải chỉ ở câu chuyện trên, ngày nay, người ta cũng dễ cuốn theo đám đông, tha hồ ném đá, bóc phốt cách vô tội vạ trên mạng xã hội. Nhiều người không đọc hết nội dung, không xem kĩ hình ảnh đã vội like, share, comment, …mà không biết hành vi chưa đến một giây của mình gây hại thế nào cho cộng đồng, cho người đang bị nhắc đến.
Chúa Giêsu để cho chúng ta một gương mẫu không hề lỗi thời: Giữa những dòng đánh giá, chỉ trích, khen gợi, … đừng vội đồng ý, đừng vội góp lời, mà dừng lại, “câu giờ” một chút để ai nấy trở về với lòng mình, để biết mình cũng có lỗi lầm mà cảm thông cho người khác.