GẶP GỠ CÁC THAM DỰ VIÊN TTN XXIV CỦA HỘI DÒNG CON ĐỨC MẸ PHÙ HỘ
DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Trụ Sở Nhà Mẹ – FMA
Thứ Sáu, ngày 22 tháng 10 năm 2021
____________________________________
Cha cầu chúc Mẹ Tổng Quyền cùng với Ban Tân Tổng Cố vấn làm việc tốt đẹp. Chúng tôi xin cảm ơn Mẹ Bề trên và các Cố vấn mãn nhiệm. Cha cầu mong Mẹ sẽ trở lại Châu Phi … Và nếu không có chỗ ở Châu Phi, thì ở Patagonia!
Trong những ngày làm việc này, chị em đã theo chủ đề “Các cộng đoàn sản sinh sự sống trong lòng thế giới đương đại”, được soi sáng bởi những lời của Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana “Người bảo gì, các con hãy làm theo” (Ga 2,5). Đó là nghĩa cử đẹp nhất của Đức Mẹ: không bao giờ Đức Mẹ giữ cho riêng mình, không bao giờ, Mẹ luôn quy hướng về Chúa Giêsu. Chị em hãy suy nghĩ về điều này: hãy bắt chước Đức Mẹ và hãy làm điều tương tự [thực hiện nghĩa cử quy hướng về…]. Như thế, một mặt, hãy lưu ý rõ bối cảnh xã hội đa văn hóa, được đánh dấu bằng những căng thẳng và thách đố, thậm chí đôi khi gay cấn, chẳng hạn như những vấn đề do đại dịch gây ra; đồng thời, hãy lắng nghe lời Chúa, ý muốn của Ngài, chính bên trong thời điểm quá mong manh và bất trắc này, với những hình thức nghèo đói mà cuộc khủng hoảng hiện nay đã tạo nên và nhân lên. Chị em biết đấy, điều này thật khủng khiếp. Nghèo đói tăng lên theo cấp số nhân, cả những khó nghèo tiềm ẩn. Nhiều gia đình khá giả, hay ít nhất là trung lưu, họ không có nhu cầu để sống. Đại dịch đã gây ra biết bao nhiêu cuộc thảm sát.
Đánh thức sự tươi mới nguyên thủy của sự phong nhiêu ơn gọi của Hội Dòng: đây là mục tiêu mà chị em đã đặt ra. Đó là một viễn cảnh mấu chốt để đáp ứng các nhu cầu của thế giới hiện đại, cần khám phá ra trong đời sống thánh hiến “việc loan báo điều mà Chúa Cha, qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, hoàn thành với tình yêu, lòng nhân ái, vẻ đẹp của Ngài” (Bản định hướng của Bộ các Hội dòng thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, Rượu mới – Bầu da mới, 6). Điều này không có nghĩa là phủ nhận những mỏng dòn và mệt mỏi hiện có trong các cộng đoàn, nhưng tin rằng tình huống này có thể giúp nó biến đổi hôm nay thành một kairós, một thời điểm thuận lợi để trở về cội nguồn đoàn sủng, để làm việc trên những điều thiết yếu, chị em là những người đầu tiên tái khám phá ra vẻ đẹp của đời sống thánh hiến. Thách đố này mời gọi chị em canh tân lời “xin vâng” của mình với Thiên Chúa vào thời điểm này, như những người nữ và cộng đoàn, những người để cho Thiên Chúa và thực tại kiến nghị. Và do đó, trở thành ngôn sứ của Tin Mừng, chứng tá cho Đức Kitô và phong cách sống của Ngài.
Công đồng Vatican II đã chỉ cho Giáo Hội con đường này, đó là con đường của Thiên Chúa: sự nhập thể trong lịch sử, sự hòa mình vào thân phận con người. Nhưng điều ấy giả định một sự bám rễ chắc vào Đức Kitô, để không phó mặc cho thế tục trong các dạng thức và ngụy trang khác nhau. Chị em đừng quên rằng điều ác tồi tệ nhất có thể xảy ra trong Hội Thánh là tinh thần thế tục. Hầu như Cha có thể nói rằng, nó có vẻ còn tệ hơn một tội, bởi vì tinh thần thế tục là thứ tinh thần thật tinh vi, nó chiếm chỗ của lời rao giảng, của đức tin, của Chúa Thánh Thần. Cha De Lubac đã nói về điều này trong những trang cuối cùng của cuốn sách Méditation sur l’Eglise. Chị em hãy tìm đọc nó. Bốn trang cuối cùng. Ngài nói điều này rất mạnh mẽ: tinh thần thế tục là tệ nạn tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo Hội, còn tệ hơn cả vụ tai tiếng vào thời các Giáo Hoàng tư hôn (sống chung ngoài hôn nhân). Rõ là mạnh. Ma quỷ đi vào trong các nhà tu bằng con đường này. Nó giúp Cha hiểu ra cách thế ma quỷ xâm nhập vào chúng ta. Và nó không phải là một tội, nó không phải là một nữ tu giết một nữ tu khác – một vụ bê bối! – hoặc ai xúc phạm người khác, không, đây là một tội lỗi xấu xa, nó gây gương mù gương xấu cho tất cả, họ xin sự tha thứ … Không. Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thế ma quỷ đi vào đây và Ngài nói thế này: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó rảo quanh sa mạc, cảm thấy buồn chán, rồi nó nói: ‘Ta sẽ trở lại nhà ta để xem nó thế nào’. Một ngôi nhà sạch sẽ, đẹp đẽ, tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng, khang trang. Nó liền đi, tìm thấy bảy tên tồi tệ hơn và chúng vào ngôi nhà đó. Nhưng nó không vào bằng cách ép buộc đâu, không, nó bước vào một cách lễ độ: nó bấm chuông, chào ngày tốt. Chúng là những con quỷ có giáo dục. Chúng ta không nhận ra chúng đang đi vào… Vì thế, chúng từ từ bước vào và chúng ta: “A, hay quá, tốt quá, đến đây, đến đây …”. Và cuối cùng, tình trạng của con người tệ hơn lúc đầu. Tinh thần thế tục cũng xảy ra như vậy. Những người đã bỏ lại mọi thứ, họ đã từ bỏ hôn nhân, từ bỏ con cái, từ bỏ gia đình … và cuối cùng – xin lỗi chị em với từ – “ế chồng“, tức là, thế tục, lo lắng về những thứ đó … Và chân trời đóng lại, vì họ nói: “Chị này chẳng thèm nhìn tôi, chị ấy xúc phạm đến tôi, chị kia …”. Những xung đột nội bộ đóng lại. Làm ơn, chị em hãy thoát khỏi tinh thần thế tục. Và khỏi cả tình trạng: “Tôi là tu sĩ, tôi là nữ tu …”. Hãy xét xem điều này. Đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nó giống như một thứ […] dần lấy đi sức mạnh của các chị em. Và thay vì là những người nữ đã thánh hiến cho Thiên Chúa, họ lại trở thành những “quý bà lễ độ”. […] nơi nào có sự phục vụ truyền giáo, nơi đó có sự phục vụ, nơi đó có sự hãm mình, sự bao dung lẫn nhau. Thánh Gioan Berchmans đã nói: “Sự đền tội lớn nhất của tôi là đời sống cộng đoàn”. Và điều đó cần! Cần phải sám hối rất nhiều để bao dung lẫn nhau. […] Nhưng chị em hãy tỉnh thức với tinh thần thế tục. Không phải để sống, nên tôi cần thay đổi điện thoại di động, tôi cần cái này, cái kia, để đi nghỉ trên bãi biển … Cha đang nói về những điều thực tế. Nhưng thế tục là thứ tinh thần khiến chị em không bình an hoặc với một sự bình an không đẹp, một sự an bình giả tạo.
Đối với các chị em, điều này đòi hỏi sự trung thành sáng tạo với đoàn sủng, và đây là lý do chị em phải luôn trở về với đoàn sủng. Đoàn sủng có phải là di tích không? Thưa không, nó là một thực tại sống động, nó không phải là một di tích được giữ cho khỏi bị quên… Nó là sức sống kiến tạo và tiếp diễn, nó không phải là một mẫu vật của viện bảo tàng. Vì vậy, trách nhiệm cao cả là cộng tác với sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần, để duyệt xét lại đoàn sủng và làm thế nào để diễn tả sức sống của nó ngày hôm nay. Từ đây xuất phát “sự tươi trẻ” đích thực, bởi Thần Khí làm cho mọi sự nên mới. Và chúng ta thấy có những nam nữ tu sĩ cao niên lại có vẻ trẻ hơn – như chất rượu ngon – mà sức mạnh của Thần Khí giúp tìm ra những biểu hiện mới của cùng một tặng ân là đoàn sủng. Một đoàn sủng đồng đều cho tất cả, nhưng lại khác biệt cho mọi người. Nó giống nhau, nhưng mang sắc thái của chính nhân vị mình; và điều này có nghĩa là người ấy hoàn toàn ở trong đoàn sủng đó, cũng là người sáng tạo trong đoàn sủng. Họ không đi ra khỏi đoàn sủng, không. Đó là cùng một đoàn sủng. Chính sự sáng tạo đem lại sự trung thành cho đoàn sủng. Đây là đường lối của Giáo Hội mà các Thánh Giáo Hoàng của Công đồng và hậu Công đồng đã cho chúng ta thấy: Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô I – sắp được phong Chân Phước – và Đức Gioan Phaolô II, người mà chúng ta chúng ta mừng kính nhớ hôm nay.
Một khía cạnh khác mà Cha thấy trong chủ đề của TTN là cần làm cho các cộng đoàn được lớn lên, qua việc đan xen những mối tương quan liên thế hệ, liên văn hóa, các mối tương quan huynh đệ, những mối tương quan thân ái. Về điều này chị em có thể kín múc từ tinh thần gia đình của chị em, tinh thần làm nên đặc trưng của cộng đoàn tiên khởi, ở Mornese, và nó giúp chị em tiếp thâu trong sự đa dạng một cơ hội để đón nhận và lắng nghe, bằng cách đánh giá những khác biệt như nguồn phong phú. Theo quan điểm này, Cha cũng khuyến khích chị em hãy đẩy mạnh nỗ lực làm việc trong tương quan với các Hội dòng khác, qua việc tìm cách sống các mối tương quan hỗ tương và đồng trách nhiệm. Nhưng điều này có thể được thực hiện tốt nếu bên trong Hội dòng của chị em có một mối tương quan tốt như thế này, đừng trốn qua các Hội dòng khác bởi vì chị em không thể chịu đựng Hội dòng của mình. Đối với chị em, đây là một cách cụ thể để sống tính đồng nghị; và cả ở đây, điều kiện tiên quyết là dễ dạy với Chúa Thánh Thần, rộng mở với những điều mới lạ và ngạc nhiên của Ngài.
Cha muốn tập trung vào điểm này: tính liên thế hệ. Cha nhớ có lần một Dòng tu – không phải chị em – ở Argentina, đã có những vấn đề, nhiều năm trước, hơn kém bốn mươi năm trước. Mẹ Tổng Quyền là một nữ tu giỏi trong việc tổ chức, và Mẹ đã nói: “Không không: ở đây cần có giới trẻ”, bởi vì vào thời điểm đó đã có nhiều ơn gọi. Tất cả các vị cao niên ở trong một nhà dành cho người già và các Sơ trẻ ở tách riêng. Nhưng đây là một tội, một tội chống lại gia đình! Những người cao niên phải sống, bao có thể trong cộng đoàn sống động. Và nhiệm vụ của những người trẻ là chăm sóc những người cao niên, học hỏi từ họ, đối thoại với những người cao niên. Nếu trong một Hội dòng mà không có sự trao đổi này thì đó là con đường dẫn đến sự chết. [ĐTC chỉ vào một ảnh nhỏ đã phát cho các chị em, mô tả một tu sĩ trẻ vác trên đôi vai một tu sĩ lớn tuổi]. Tôi vác vị này … Tu sĩ trẻ này đang cõng một vị cao niên. Đây là “nghề” của người trẻ. Là khả năng có các bà nội/ngoại, ông nội/ngoại ở nhà. Cha nhớ là trong Hội dòng mà Cha đã nói trước đó, những người già đã chết vì đau lòng. “Đã chết rồi … đau bệnh …”. Sự đau lòng đã đến từ nỗi buồn không thể có được các thế hệ mới. Chị em hãy xét mình: tôi đón nhận những người cao niên như thế nào? Thực là đôi khi những người cao niên trở nên thất thường một chút – chúng ta là – và những khiếm khuyết của tuổi già được nhìn thấy rõ hơn; nhưng cũng thực là những người cao niên có sự khôn ngoan, sự khôn ngoan tuyệt vời của đời người: sự khôn ngoan của lòng trung thành để trở thành những người lão luyện trong ơn gọi. Và xin cảm ơn vì tất cả những gì chị em sẽ làm. Chị em đừng bao giờ cô lập những người cao niên! Vâng, sẽ có những ngôi nhà dành cho những người già mà họ không thể có một cuộc sống bình thường, họ nằm trên giường… Nhưng hãy liên tục đi đến đó, thăm những người già, đến thăm họ… Họ là kho báu của lịch sử! Kinh nghiệm đó của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu giúp Cha nhiều, khi chị đi kèm một nữ tu già gần như không thể đi lại được. Nhưng bà là một nữ tu có hơi chút loạn thần kinh. Và Teresina đã làm tất cả những gì có thể… Và Teresina không bao giờ tắt đi nụ cười của mình. Rồi Chị đưa bà đến chỗ ngồi, cắt bánh mì cho bà. Tội nghiệp bà sơ già, loạn thần kinh, than phiền đủ thứ, nhưng nhìn bà thương lắm. Và một lần xảy ra, trên đường từ ca đoàn đến phòng ăn, chị đã nghe thấy từ bên ngoài một tiếng ồn ào, chị đã nghe thấy tiếng nhạc của một điệu nhảy, có một bữa tiệc gần đó. Và Teresina đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ thay đổi điều này vì điều đó”. Chị đã hiểu được sự cao cả của ơn gọi. Sự tôn trọng những người cao niên. Vui lòng, sẵn lòng làm cho những người già!
Cũng sự cởi mở như vậy đối với Thần Khí cho phép chị em kiên trì trong cam kết là những cộng đoàn sản sinh trong phục vụ những người trẻ và những người nghèo nhất. Các cộng đoàn truyền giáo đi ra vươn tới để loan báo Tin Mừng cho các vùng ngoại vi, với niềm đam mê của các FMA tiên khởi. Nhưng niềm đam mê đó thật ấn tượng, đó là niềm đam mê của các Salêdiêng đầu tiên! Nhưng đúng là như vậy, nó đã làm kinh ngạc các bạn trẻ và các thiếu nữ. Trong cuốn sách mà Cha đã đem cho chị em – Cha sẽ để lại một cuốn cho Mẹ Tổng Quyền -, một cuốn sách nói về một linh mục Salêdiêng người Lodi, người từng là nhà truyền giáo ở Argentina, Cha Enrico Pozzoli, trong phần giới thiệu của cuốn sách – thật thú vị – cho thấy số lượng các Salêdiêng mà Don Bosco đã gửi đến Argentina. Nhiều! Và khi đến Buenos Aires – đây là nét đẹp của những người Salêdiêng đầu tiên – họ không đến những khu dân cư trung lưu, không, họ đi tìm những vùng biên giới… Điều gì thu hút ơn gọi? Sự thánh thiện, lòng nhiệt thành. Chị em hãy tìm kiếm, nhìn xem tinh thần truyền giáo này … Nói đến các bạn trẻ, Cha muốn khích lệ các chị em, bởi không dễ gì đồng hành các thanh thiếu niên tuổi vị thành niên. Cha mẹ chúng biết rõ và chị em cũng biết điều đó. Đây cũng là lý do tại sao Cha muốn có Thượng Hội đồng cho những người trẻ và với những người trẻ, từ đó Tông huấn Christus vivit ra đời. Cha biết chị em đã sử dụng nó; Cha khuyến khích chị em hãy tiếp tục làm như vậy: Cha chắc chắn rằng ở đó chị em có thể tìm thấy nhiều ý tưởng khác nhau hài hòa với đoàn sủng và sự phục vụ giáo dục của các chị em.
Các chị em thân mến, Cha được biết các chị em đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Hội dòng. Đây cũng là một cơ hội để canh tân và phục hưng ơn gọi và truyền giáo. Chị em đừng quên ân sủng của nguồn cội, sự khiêm nhường và sự nhỏ bé của những thời đầu đã làm cho hành động của Thiên Chúa trở nên xuyên suốt trong cuộc đời và sứ điệp của bao người, đong đầy kinh ngạc, đã khởi đầu cuộc hành trình này. Đức Maria Phù Hộ sẽ giúp chị em: các chị em là những nữ tử của Mẹ! Những lời của Mẹ trong tiệc cưới Cana đã và đang là một ngọn hải đăng cho sự phân định của chị em: “Chị em hãy làm những gì Ngài sẽ nói với chị em“. Đức Maria là người nữ chăm chú, hiện thân cách trọn vẹn trong hiện tại và ân cần, một người nữ chu đáo. Chị em cũng vậy, chị em có thể chú tâm lắng nghe những thực tại, nắm bắt các tình huống cần thiết, khi thiếu “rượu”, tức là niềm vui của tình yêu, và đem Đức Kitô, không phải bằng lời nói nhưng bằng phục vụ, trong sự thân thiện, với lòng trắc ẩn và trìu mến. Cha xin dừng lại ở điều này. Đối với Cha, một điều rất tồi tệ là một nữ tu giận dữ, một nữ tu dường như ăn sáng không phải với sữa mà với giấm. Chị em là những người mẹ. Dịu dàng. Phong cách của Chúa thì luôn là sự gần gũi. Ngài đã nói điều đó ngay ban đầu, trong Sách Đệ Nhị Luật: “Các ngươi hãy nghĩ xem: dân tộc nào có các vị thần của họ ở gần như các ngươi có Ta không?”. Sự gần gũi. Và sự gần gũi của Thiên Chúa luôn là từ bi và trìu mến. Sự gần gũi là lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Mỗi ngày, khi xét mình, chị em hãy tự hỏi bản thân: “Hôm nay tôi có ở gần không? Tôi có từ bi không? Tôi có dịu dàng không? ”. Chị em hãy tiến tới với điều này. Chị em hãy sử dụng nhiều từ trìu mến, dịu dàng. Nó thật quan trọng cho cách hiện hữu. Chị em hãy mang theo hy vọng, nó không làm chị em thất vọng. Nó là sự thực. Như Đức Maria, chị em hãy là những người nữ của hy vọng. Chị em hãy thực hiện nó khởi đi từ căn tính Salêdiêng, với phong cách Salêdiêng: đặc biệt là lắng nghe, hiện diện năng động, tình yêu dành cho giới trẻ. Óc sáng tạo của thời cuộc, như Don Bosco đã nói.
Đã “có Mẹ Chúa Giêsu” (Ga 2,1) của Tin Mừng tiệc cưới Cana, trở thành “Đức Maria hiện diện cách năng động trong cuộc đời chúng ta và trong lịch sử của Hội dòng” trong Hiến Luật của chị em (x. HL FMA 44). Được Đức Mẹ đồng hành, chị em hãy hăng hái tiến tới trên hành trình mà Thần Khí thôi thúc chị em. Với tấm lòng rộng mở để đón nhận những thúc đẩy của ân sủng Chúa, với tầm nhìn chăm chú để nhận ra các nhu cầu và sự cấp bách của một thế giới liên tục thay đổi. Nhìn nhận sự chuyển biến, nhưng với con tim luôn say mến Thiên Chúa. Trái tim của người mẹ, trái tim gần gũi, với lòng trắc ẩn và sự dịu dàng.
Cha xin cảm ơn vì cuộc gặp gỡ này! Xin cảm ơn vì những gì chị em là và chị em làm. Cha ở gần chị em bằng lời cầu nguyện, Cha chúc lành cho chị em và tất cả các chị em trên thế giới. Và Cha xin các chị em cầu nguyện cho Cha: làm Đức Thánh Cha không phải là dễ!
Nguồn: vatican.va
Sr. Catarina Bùi Thị Y, FMA chuyển ngữ