Trên tuyến xe lửa đi Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Ít phút sau, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt Mân Côi và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Không thể chịu đựng nổi nữa, anh ta mạnh dạn lên tiếng:
– Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à?
Cụ già thản nhiên trả lời:
– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Người thanh niên xấc xược trả lời:
– Làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.
Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:
– Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?
Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời:
– Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.
Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: “Louis Pasteur, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Paris”
***
Ngày hôm nay con người đang đặt niềm tin vào điều gì? Hình ảnh của anh thanh niên, cho chúng ta thấy, con người đang đặt niềm tin và tôn thờ những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật, tôn thờ chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng và hưởng thụ. Một khi con người đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào chính mình, đồng nghĩa với việc họ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời.
Bằng chứng là rất nhiều nước ở trên thế giới, cụ thể ở Châu Âu, nơi mà Ki-tô giáo từng là quốc giáo, thì nay họ đang dần xa rời Thiên Chúa. Họ loại bỏ việc cầu nguyện ra khỏi các lớp học và các tổ chức công cộng. Kinh Mười Điều Răn, Kinh Lạy Cha đã bị xóa bỏ khỏi trường học và các tòa án. Gần chúng ta hơn là tại Trung Quốc, nhà nước đã xóa bỏ các từ Thiên Chúa, Thánh Kinh và Chúa Kitô ra khỏi các bản văn, các nhà thờ đã bị phá hủy, hàng loạt thánh giá bị tháo gỡ,…còn rất nhiều những việc làm khác với mục đích duy nhất là loại bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cuộc sống không có Thiên Chúa sẽ như thế nào? Ngang qua biến cố đại dịch Covid 19, đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Dù có nhiều tiền, dù có giỏi giang…nhưng không một ai hay một phát minh nào có thể cứu sống con người khỏi đại họa này, ngoài việc duy nhất là chạy đến với Đấng Tối Cao, cầu xin Ngài ra tay giải cứu.
Có điều gì khác sẽ nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng ta không? Tin Mừng của Thánh Gioan chương 2, câu 1đến câu 12 đã giới thiệu cho chúng ta dung mạo của một người sẽ là điểm tựa vững chắc để nâng đỡ đức tin của chúng ta. Đó chính là Đức Maria.
Trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã hiện diện và với ánh nhìn tinh tế, Mẹ dự phóng trước được những bất trắc sẽ xảy đến cho đôi tân hôn khi hết rượu giữa chừng. Mẹ làm gì? Mẹ đã chạy đến với ai trong lúc khẩn cấp này? Mẹ đã thủ thỉ với Đức Giêsu, con Mẹ. Đức Giesu đã không từ chối lời đề nghị của Mẹ, Ngài đã làm dấu lạ đầu tiên tại Cana trước khi đến giờ của Ngài.
Đoạn Tin Mừng này còn vẽ lên trong chúng ta dung mạo về sự phù trợ đắc lực của Đức Maria cho từng người con của Mẹ. Mẹ luôn hiện diện, tuy âm thầm nhưng tinh tế. Mẹ thấy trước những nhu cầu, đọc được những khó khăn, hiểu được từng tâm sự của mỗi người. Mẹ dâng tất cả cho con của Mẹ, và trong bàn tay uy quyền của Người Con ấy, nước lã biến thành “ rượu ngon”, u sầu hóa nên hy vọng.
Đoạn Tin Mừng này đã củng cố niềm xác tín của con như lời Don Bosco đã nói: “Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì!”. Vì con tin chính niềm tin sẽ làm nên phép lạ.
Con xin được kể lại một biến cố mà có lẽ mọi người đã biết. Đó chính là trận hải chiến lừng danh Lepanto (Roma) vào năm 1571. Người Thổ có tham vọng thâu tóm toàn bộ Châu Âu. Các Giáo sĩ của nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên thánh chiến. Đó là một trận chiến bất cân xứng giữa quân Thổ Nhĩ Kì gồm 328 tầu chiến với gần 77.000 người. Còn quân của liên minh các nước Kitô Giáo Châu Âu chỉ có khoảng 206 tầu với 40.000 tay chèo và thủy thủ. Nếu theo lẽ thường, đây sẽ là một trận chiến bại thảm khốc cho liên minh công giáo Châu Âu.
Nhưng, tình thế đã hoàn toàn đảo lộn. Lúc ấy, Đức Thánh Cha Pi-o thứ V đã kêu gọi mọi tín hữu khẩn cầu sự trợ giúp của Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi . Lời kêu gọi của Ngài được đáp lại bằng những Kinh Kính Mừng thống thiết hơn bao giờ hết của toàn thể dân Chúa. Các binh sĩ xuất trận với tiếng hò la: “Vạn tuế Mẹ Maria”. Niềm tin đã làm nên phép lạ. Mẹ Maria đã ra tay can thiệp. Liên minh công giáo đã giành chiến thắng, bảo vệ được đức tin của mình và giải thoát được nhiều tù binh công giáo. Quân Thổ bị thua cách thảm hại. Đây là chiến thắng của Đức Maria.
Sau biến cố này Giáo Hội công khai tuyên xưng Mẹ là Đấng Phù Hộ các giáo hữu. Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính Mẹ, Đức Thánh Cha Pi-O thứ V đã truyền thêm câu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu” vào kinh cầu Đức Bà.
Danh hiệu này tiếp tục được kêu cầu vào năm 1683, khi Liên minh công giáo Châu Âu một lần nữa phải chống lại các bè rối, ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kì tại các cổng thành Vienna.
Sau này, khi Thánh Cha Pi-O thứ VII được thả tự do sau một thời gian bị hoàng đế Pháp giam tù, đã chính thức thiết lập lễ Đức Maria Phù Hộ các Giáo hữu vào ngày 24/05/1815 như một dấu chỉ về lòng biết của ngài ơn đối với Mẹ.
Và đã có một sự trùng hợp lạ lùng khi năm 1815, lễ kính Đức Maria Phù Hộ các Giáo hữu được thiết lập cũng chính là năm sinh của một cậu bé có tên là Gioan Bosco tại làng quê Bechi xa xôi hẻo lánh miền Bắc nước Ý.
Vâng sự trùng hợp này không phải là ngẫu nhiên, nhưng có lẽ đã báo trước một sự thuộc về. Gioan Bosco sinh ra là để thuộc về Đức Maria Phù Hộ và để làm vinh danh Mẹ. Qủa thực, cậu bé Gioan Bosco đã trở thành Don Bosco. Và Mẹ Maria đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nơi cuộc đời của Ngài. Vâng, khi nhiều người ngưỡng mộ vì Don Bosco đã làm rất nhiều việc vĩ đại và mưu ích cho giới trẻ, thì trong sự khiêm tốn Ngài chỉ nói rằng: chính Đức Mẹ đã làm tất cả !
Vâng chính Mẹ đã làm tất cả và Don Bosco là người con luôn thực thi ý muốn của Mẹ. Ngài tin tưởng vào Mẹ trong mọi sự. Qua một giấc chiêm bao, Đức Mẹ ngỏ ý muốn Don Bosco xây dựng một Đền Thờ để tôn kính Mẹ dưới tước hiệu Đấng Phù Hộ các giáo hữu. Don Bosco đã không từ chối Mẹ. Ngài đã vâng lời Mẹ và bắt tay vào việc xây dựng với vỏn vẹn 8 lire, nó tương đương khoảng 100.000đ tiền Việt Nam hiện nay.
Don Bosco đã khởi công xây dựng mà chẳng có tiền. Ai ai cũng hỏi: cha sẽ lấy tiền ở đâu để xây. Don Bosco chỉ trả lời một câu ngắn gọn trong niềm xác tín: “Đức Mẹ muốn có ngôi nhà thờ này. Đức Mẹ sẽ lo.” Ngôi nhà thờ đã được khởi công xây dựng vào năm 1863, hoàn thành và được thánh hiến vào năm 1868. Sau đó được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường vào năm 1911.
Vâng Vương cung thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ đã trở thành một công trình và điểm hành hương thu hút biết bao người tìm về và tôn vinh Mẹ dưới tước hiệu Phù Hộ các giáo hữu. Không những thế, đây chính là công trình của niềm tin vĩ đại để bày tỏ lòng tri ân của Don Bosco dành cho người Mẹ trên trời.
Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria, bạn sẽ thấy phép lạ là gì! Đó không chỉ là niềm xác tín của Don Bosco, của các con cái ngài mà sẽ còn là niềm xác tín cho tất cả những ai chạy đến kêu cầu Mẹ qua muôn thế hệ.
Hãy chạy đến và khẩn cầu sự trợ giúp của Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ ra tay. Mẹ Maria không ở đâu xa. Mẹ ở ngay bên cạnh và hiện diện trong tâm hồn của từng người con của Mẹ. Chúng ta không thể nhìn thấy Mẹ Maria bằng đôi mắt thể lý, nhưng với đôi mắt của đức tin, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng và bàn tay nhân ái của Mẹ vẫn hằng quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho chúng ta.
Bản thân con cũng đã phần nào cảm nghiệm thấy được sự che chở của Mẹ Maria cho gia đình và cho chính con. Cách đây 3 năm, trong một buổi tối trên đường đi làm về, không may mắn, con bị tai nạn giao thông. Trong lúc hoảng loạn ấy con chỉ còn kịp thốt lên 1 lời “Xin Mẹ cứu con!” rồi xe con đổ xuống đường, con bị chấn thương ở chân, phải nằm bất động hơn 3 tháng. Trong 3 tháng đó con nhận được rất nhiều ơn lành, cho con, cho gia đình. Con tin rằng, có Mẹ Maria đang đồng hành với con và chính lúc khó khăn, thất vọng nhất, Mẹ đã ra tay che chở và giữ gìn con được bình an.
Vâng, Mẹ Maria là Đấng Phù Hộ đắc lực cho giáo hữu trong lúc nguy nan, trong cơn chinh chiến, trong giờ cơ cực. Xin Mẹ bảo vệ chúng con khỏi tay thù địch và đến giờ lâm chung xin đón nhận chúng con vào nơi hạnh phúc trường cửu.
Chúng ta hãy tin tưởng vững vàng nơi Mẹ và đem tất cả những thao thức, niềm vui, nỗi buồn, âu lo, bệnh tật của chúng ta ký thác trong bàn tay phù trợ của Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ ra tay cứu giúp vì xưa nay chưa có ai kêu cầu Mẹ mà Mẹ ngoảnh mặt làm ngơ.
Maria Nguyễn Hoàng Như Hoa
Tiền đệ tử Bảo Lộc