* Ý chính:
15. CN XXIII TN -A- ý chính (ngang)
* Lời Chúa: Ed 33,7-9; Tv 94; Rm 13,8-10; Mt 18,15-21
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
(Nhóm PDCGKPV, Bài đọc trong Thánh Lễ)
* Suy niệm: CHINH PHỤC ĐƯỢC NGƯỜI ANH EM
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trọn vẹn chương 18 được dành để nói về Hội Thánh là hình của Nước Trời mà Đức Giê-su thiết lập trên trần gian. Hội Thánh gồm những người có cùng một niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, và cùng một ơn gọi “trở nên tinh tuyền thánh thiện” như ý định của Thiên Chúa (Ep 1,4). Vì thế, mọi thành phần trong Hội Thánh được mời gọi sống “tương thân tương ái” với nhau để cùng giúp nhau sống đẹp lòng Chúa (x.Rm 12,8 – Bài đọc 2). Nói cách khác, họ được mời gọi sống tình nghĩa với nhau để giúp nhau sống trong ân nghĩa với Chúa. Khi dạy các môn đệ tìm mọi cách cứu vãn người anh em phạm tội, Đức Giê-su cho thấy đâu là nghĩa tình lớn nhất mà các tín hữu có thể trao ban cho nhau.
Trước hết, cần lưu ý rằng từ “phạm tội” trong bản văn chỉ một sai phạm rất nghiêm trọng. Thật vậy, sau khi trao nộp Đức Giê-su, Giu-đa đã hối hận, đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,4). Khi phạm một lỗi nặng như thế, con người sống trong tình trạng mất ân nghĩa với Thiên Chúa, có nguy cơ mất cả hạnh phúc đời đời; do đó, việc mau mắn sám hối trở về cùng Chúa là điều vô cùng quan trọng. Thế nhưng, đây lại không phải là một tiến trình do tự thân con người nghĩ ra, hay tự khắc được con người thực hiện sau khi phạm điều sai trái, mà là hoa trái của ơn thánh và sự cộng tác của con người. Về phần Thiên Chúa, Người không ngừng mời gọi và rộng mở cho những người tội lỗi trở lại với Người, như lời thánh vịnh đáp ca ghi nhận: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: ‘Các ngươi chớ cứng lòng!’” (Tv 94,7.8 – Thánh vịnh đáp ca). Ngoài ra, Thiên Chúa còn dùng các cách thức và những trung gian khác nhau, đặc biệt là ngôn sứ, để họ nghe lời từ miệng Người phán ra rồi thay Người khuyến cáo những người gian ác. Lời Đức Chúa phán với ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho thấy rất rõ sứ vụ khó khăn nhưng cô cùng cao quý của những người dấn mình vì phần rỗi tha nhân: “Nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (x.Ed 33,7.9 – Bài đọc 1)
Với các môn đệ, Đức Giê-su còn chỉ dẫn cặn kẽ và rõ ràng hơn cách thức sửa lỗi; ngõ hầu, người sai lỗi chân nhận lỗi lầm của mình, và người sửa lỗi “chinh phục được người anh em”, nghĩa là “cứu được một con người và giữ được tình thân hữu”. Để được như thế, Đức Giê-su muốn các môn đệ đi từng bước trong việc sửa lỗi: từ cá nhân đến tập thể, từ cẩn mật đến công khai, từ khuyên bảo đến khuyến cáo. Trong nhãn quan này, quyền cầm buộc và tháo cởi mà Đức Giê-su trao cho các môn đệ là để tìm thiện ích cho các phần tử trong Hội Thánh. Cũng thế, sức mạnh của những lời kinh nguyện được đồng thanh, đồng lòng dâng lên là để mưu cầu lợi ích cho toàn thể Hội Thánh – Thân Mình được Đức Giê-su yêu thương, thánh hóa và thánh hiến bằng sự hiện diện của Ngài cũng như sự ưu ái của Cha – Đấng ngự trên trời.
Lạy Cha từ ái, trong Đức Giê-su, Cha đã cho chúng con
được trở nên nghĩa tử của Cha và trở thành anh chị em với nhau.
Cùng với Đức Giê-su, “Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8,29),chúng con nguyện xin Cha
ban ơn hòa bình cho thế giới, ơn hiệp thông trong Giáo hội
và ơn giải phóng cho các tâm hồn đang lầm đường lạc lối.
Trong Đức Giê-su, Cha đã cho thế gian được hòa giải với Cha,
xin làm cho chúng con cũng trở nên những nhân tố và những người công bố lời hòa giải
ở mọi nơi, với mọi người (x.Lời tung hô Tin Mừng). Amen!
Sr. Maria Võ Diễm Trinh, FMA