* Ý chính:
* Lời Chúa: St 2,7-9.3,1-7; Tv 50; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
(Nhóm PDCGKPV, Bài đọc trong Thánh Lễ)
* Suy niệm: CHỊU QUỶ CÁM DỖ
Trong tường thuật của thánh Mát-thêu, trình tự, nội dung và yếu tố chủ động trong ba cơn thử thách được diễn tả rất rõ. Hầu như từng động thái trong chiến lược cám dỗ đều được ghi nhận. Bốn mươi đêm ngày Đức Giê-su “ăn chay ròng rã” cũng là thời gian quỷ cố ‘im hơi lặng tiếng’, chực chờ thời cơ. Chỉ khi thời điểm vàng đến, nghĩa là lúc Đức Giê-su “thấy đói”, quỷ mới “đến gần” và lên tiếng. Quỷ cũng đong đầy lời lẽ của mình với những điều thánh thiêng. Thật vậy, hai lần liên tiếp, điệp khúc “nếu ông là Con Thiên Chúa” đã được sử dụng để làm vang vọng nơi Đức Giê-su lời Chúa Cha dành cho Ngài trong biến cố phép rửa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Thấy Đức Giê-su dùng lời Kinh Thánh đáp trả, ngoài lời khiêu khích, quỷ cũng kèm thêm một lời Sách Thánh thật êm tai để dẫn dụ: “…thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.
Chiến thắng của Đức Giê-su trước mưu thâm chước độc của đối phương không chỉ hệ tại ở việc Ngài đã ‘ba lần như một’ dùng lời Kinh Thánh để đối đáp, nhưng còn ở việc Đức Giê-su luôn nêu cao danh thánh và không ngừng công bố quyền tối thượng của Thiên Chúa: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,7.10). Chiêu thức của quỷ dữ thì ngược lại, luôn đặt trước mắt con người những nhu cầu của bản thân, làm hoa mắt con người với những năng lực tự thân và che mắt con người với những cơ hội tiến thân.
Nét sâu sắc của thánh sử Mát-thêu là vạch trần chân tính của thế lực bóng tối qua những tên gọi khác nhau. Ngay từ đầu, tường thuật xác định rõ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa là để “chịu quỷ cám dỗ”. Thế lực lấn lướt là “quỷ”, mưu chước của nó là dụ – là dỗ – là tố (x.Kh 12,10); vì thế, trong bản văn, “quỷ” cũng được gọi là “tên cám dỗ” (Mt 4,3). Tuy nhiên, cao trào của tường thuật là lời thẳng thừng của Đức Giê-su: “Xa-tan kia, xéo đi!”. Đức Giê-su đã gọi đối phương bằng chính tên riêng. Với những đường hướng mời mọc của đối phương, Ngài nhất quyết không nhập nhằng, không khoan nhượng, không nấn ná thương lượng.
Lạy Chúa Giê-su,
nơi khu vườn khởi thủy, cám dỗ đã xuất hiện
dưới dạng một thứ trái “ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt”
và nguyên tổ của chúng con đã sa ngã (x.St 3,1-7: bài đọc 1).
Nơi hoang địa Chúa được dẫn vào,
cám dỗ cũng xuất hiện với biết bao lời lẽ và dáng vẻ đẹp đẽ, dễ nghe,
nhưng vẫn không thể làm Chúa quên Danh Cha, xa Nước Cha, bỏ Ý Cha.
Nguyện xin Chúa đồng hành và nâng đỡ chúng con trong Mùa Chay thánh,
để chúng con không sa vào đường tà, không ngã vào lối tội
nhờ bước đi trong ánh sáng Lời Chúa và tựa nương vào sức mạnh Ơn Chúa. Amen!
Sr. Maria Võ Diễm Trinh, FMA