* Ý chính:
* Lời Chúa: Ds 6,22-27; Tv 66; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21
16 Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem. Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su ; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
(Nhóm PDCGKPV, Bài đọc trong Thánh Lễ)
* Suy niệm: ĐƯỢC THỤ THAI TRONG LÒNG MẸ
Dựa theo niên lịch phụng vụ, thời gian từ biến cố truyền tin cho Đức Maria cho đến ngày Hài Nhi được cắt bì là gần trọn chín tháng mười ngày. Đây là chu trình để một phôi thai được hình thành, phát triển và ra đời.
Để nhập thể, Con Thiên Chúa cũng trải qua những tháng ngày được ấp ủ nơi cung lòng người mẹ, nơi mà thân thể Người được thêu dệt từng ngày. Nhờ cung lòng này, Người được che chắn, bảo vệ và dưỡng nuôi. Trong cung lòng này, Người bắt nhận những động tĩnh xung quanh, từ bước chân vội vã khi đi thăm viếng cho đến nỗi vất vả khi phải về nguyên quán để khai tên tuổi. Nơi cung lòng này, Người cũng bắt đầu hình thành những cảm xúc đầu tiên, đó là niềm vui gặp gỡ với những lời cầu phúc lẫn lúc khắc khoải lo âu vì biết bao hiểu lầm, bất trắc.
Để nhập thế, Con Thiên Chúa cũng trải qua một quá trình như biết bao người. Nơi Bê-lem, Người được chào đời, được tháp nhập vào gia đình nhân loại. Ngày cắt bì, Người được chính thức thuộc về một dân tộc, một gia đình đức tin.
Tất cả đều diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ. Ngày người anh họ Gio-an của Người ra đời, “láng giềng và thân thích” đều đến chia vui (x.Lc 1,57). Ngày Người chào đời, bên Người chỉ có những người thân yêu nhất, là cha Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Ngày Gio-an được cắt bì, mọi người xôn xao với việc đặt tên và kinh ngạc trước việc người cha được khôi phục tiếng nói, khiến “ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’” (Lc 1,66). Ngày lễ cắt bì của Người được diễn ra cách bình thường và thật trôi chảy đến nỗi không ai phải hỏi vì sao, không người cần biết thế nào. Bởi lẽ, có một người đã ghi nhớ, “suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) và để cho những gì liên quan đến Người được thành toàn. Đó là người trinh nữ đã được sứ thần phán bảo “này đây cô sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31).
NGỎ CÙNG CON
Giê-su con có biết, có một tiếng Xin Vâng đã nối kết đời con và đời mẹ,
khi con nói “Này con xin đến để thực thi Ý Cha” (Tv 40,8.9),
ngày ấy mẹ cũng đáp lời “Xin Chúa cứ làm cho con điều sứ thần nói” (Lc 1,38c).
Giê-su con có nhớ, có một lời chào khiến Mẹ vô cùng ngỡ ngàng và thêm niềm tin tưởng,
đó là lời chào của người họ hàng Ê-li-sa-bét của chúng ta,
người đã nhận ra mầm sống mới được hình thành nơi cung lòng mẹ
và đã vang lời vinh chúc cho cả mẹ và con.
Giê-su con có hay, lời kể của những người chăn chiên
đã nhắc nhớ mẹ thật nhiều về lời sứ thần tiên báo về con.
Giê-su, mẹ vẫn biết con là Con Đấng Tối Cao
dù con nằm đây trong máng cỏ khó nghèo.
Giê-su, mẹ vẫn tin ngày con sinh ra là niềm vui cho toàn dân
dù quanh con đây chỉ là những người chăn chiên chất phác, lam lũ.
Giê-su, mẹ vẫn nhớ tên con gắn liền sứ mạng đời con.
Giê-su, mẹ muốn nói “Cám ơn con!”.
Con là Đấng Cứu Thế của cả nhân loại, của chính mẹ đây,
nhưng con đã muốn được thụ thai trong lòng mẹ và được sinh ra từ cung lòng mẹ!
Sr. Maria Võ Diễm Trinh, FMA