Nguồn: cgfmanet.org
Ngọc Mai, FMA chuyển ngữ
Nhân dịp cử hành Lễ Thánh Giuse thợ ngày 01.5.2022, một vài ý tưởng cho việc suy tư về chủ đề lao động, trọng tâm trong tinh thần Salêdiêng.
***
(Roma, Ý). Nhân dịp cử hành Lễ Thánh Giuse thợ ngày 01.5.2022, trong thời điểm kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của Thánh Phanxicô Salê và 150 năm thành lập Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Tổng Thư ký của Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ đã đưa ra một số ý tưởng suy tư về chủ đề lao động, điểm trọng tâm trong linh đạo và trong thực hành giáo dục Salêdiêng.
Trong tập sách “Phanxicô Salê và việc giáo dục” (LAS, Rome 2006), Cha Morand Wirth, một Salêdiêng Don Bosco và là một học giả về Thánh Phanxicô Salê, tường thuật câu nói của vị Thánh trong một bài giảng về chủ đề tạo dựng, ngài cắt nghĩa: “Theo một cách giải thích khả dĩ mà ngài thích tường thuật, thì không phải con người bảo vệ địa đàng trần gian trong sách Sáng thế, mà là địa đàng trần gian bảo vệ con người thông qua làm việc” (trang 449).
Nhắc lại những lời này, Thánh Gioan Bosco trong “Quy luật cho các nhà thuộc Hội dòng Thánh Phanxicô Salê “ Chương V, hoàn toàn chuyên tâm vào công việc, ngài nói: “1. Các con thân mến, con người được sinh ra để làm việc. Ông Ađam được đặt trong vườn địa đàng để canh tác. Thánh Phaolô Tông đồ nói rằng: ‘Ai không làm việc thì cũng đừng ăn […]’ 2. Làm việc nghĩa là chu toàn bổn phận trong bậc sống mỗi người, hoặc là học hành hay nghệ thuật, nghề nghiệp. 3. Chúng con hãy nhớ rằng nhờ làm việc mà chúng con làm ích cho xã hội, cho đạo giáo và cho linh hồn chúng con, nhất là khi chúng con dâng cho Chúa các công việc hằng ngày của chúng con. 4. Luôn yêu thích những công việc do Bề trên chỉ định hoặc tuân theo đức vâng lời […] 6. Chúng con hãy nhớ rằng tuổi chúng con là mùa xuân của đời sống. Ai còn trẻ mà không quen làm việc sẽ trở thành kẻ lười biếng lúc tuổi già. Họ sẽ làm mất thể diện cho tổ quốc và gây tai hại cho linh hồn mình bởi vì nhàn rỗi sinh ra các nết xấu.” (Viện Lịch sử Salêdiêng, Nguồn Salêdiêng. 1. Don Bosco và tác phẩm của ngài, LAS – Rôma, 214, tr. 578)
Khởi đi từ quan niệm nhân học trong thuyết nhân bản của Thánh Phanxicô Salê, ngài xem con người như hình ảnh và giống Thiên Chúa, Đấng tạo thành, nghĩa là có khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình trong sự hòa điệu với người khác và với tạo vật, Don Bosco hiểu lao động là biểu hiện của một con người tròn đầy, được hiện thực hóa, hòa nhập vào xã hội. Lao động làm con người nên cao quý, nhưng trên tất cả, thông qua lao động, con người làm cho xã hội tốt đẹp hơn và làm cho cuộc sống dễ chịu hơn. Câu đúc kết nổi tiếng, “Kitô hữu tốt và công dân lương thiện” coi việc lao động là nền tảng của giáo dục.
Không chỉ vậy: Don Bosco còn quan tâm để mang lại phẩm giá cho công việc bằng cách đòi hỏi các hợp đồng – là những hợp đồng đầu tiên ở Ý – cho những người trẻ của mình, trong đó đảm bảo một số quyền cơ bản, ngài dấn thân vào việc giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho nhiều học sinh, tin rằng những tài năng của mỗi em cần được phát triển và sử dụng. Nói tóm lại, theo nhãn quan hướng nghiệp hiện đại mang tính quyết định, lao động được coi là điều kiện cần thiết cho tương lai của mỗi người trẻ.
Hơn cả những hoạt động, đối với Don Bosco, công việc là một đặc điểm nền tảng của linh đạo mà ngài đã chuyển trao cho con cái mình. Trong “Giấc mơ mười viên ngọc” nổi tiếng (Hồi sử XV, trang 183-187) mà Don Bosco thuật lại điều đã xảy ra đêm mùng 10 sang ngày 11.9.1881, người bí ẩn có một viên ngọc trên vai phải của mình, trên đó có viết. “làm việc” và bên vai trái một viên ngọc khác có chữ “tiết độ”. Nhân vật này cũng có một dải khăn có dòng chữ “Tu hội lành thánh Salêdiêng” và bên trên được viết “Phải là như thế”.
Trong linh đạo Salêdiêng, lao động được sống với tinh thần phục vụ, sự khiêm tốn và công bình tạo nên đường lối nên thánh riêng biệt. Nếu sau đó chúng ta coi công việc ấy thường trùng hợp với sự hiện diện giáo dục hoặc với các hoạt động phục vụ giáo dục, chúng ta hiểu rằng nó cũng trở thành một cách thức để “cứu rỗi các linh hồn”.
Trong nhiều lá thư Thánh nữ Maria Domenica Mazzarello cũng nhấn mạnh giá trị tinh thần và giáo dục của làm việc. Trong một lá thư Mẹ viết cho Sơ truyền giáo Angela Vallese, giám đốc nhà Villa Colòn ở Montevideo, Uruguay: “Con nói với Mẹ rằng con có rất nhiều việc để làm, điều này làm Mẹ vui sướng, bởi công việc là cha các nhân đức, khi làm việc, những tư tưởng không thể giải thích hợp lý sẽ biến mất, và con sẽ luôn vui tươi. Trong khi nhắc con làm việc, Mẹ cũng nhắc con hãy quan tâm chăm sóc sức khỏe và Mẹ cũng nhắc mọi người là hãy làm việc không vì một tham vọng nào, nhưng chỉ để làm hài lòng Chúa Giêsu mà thôi. Mẹ ước muốn rằng tình yêu đối với sự hãm mình, sự khinh chê bản thân và sự từ bỏ tuyệt đối ý riêng được in khắc nơi cõi lòng của tất cả các chị em. Chúng ta trở thành nữ tu là để bảo đảm cho chúng ta nước Thiên đàng, nhưng để chiếm được Thiên đàng thì cần có những hy sinh; chúng ta hãy mang lấy thập giá với sự can đảm và một ngày kia chúng ta sẽ được hạnh phúc”. (Thư số 25)
Thánh nữ, với sự khôn ngoan được soi dẫn có thể phân biệt được mình, kết nối công việc với một đời sống nhân đức thể hiện niềm vui, điều mà ở nơi khác, ngài định nghĩa là “dấu chỉ của một tâm hồn yêu Chúa nhiều” (Thư số 60). Sự tách biệt giữa làm việc và cầu nguyện, đôi khi, ảnh hưởng đến đời sống của các nữ tu FMA, được khắc phục bằng cách trở về nguồn và giải thoát bản thân khỏi những cách diễn giải theo chức năng của công việc. Sự nhưng không và lòng biết ơn làm cho công việc trở thành một hoạt động vương giả, đây là một biểu hiện phẩm giá của những người con của Thiên Chúa nhờ hồng ân phép rửa.
Hiến luật của Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ liên kết công việc, theo nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ với sự tiết độ và vì thế với nỗ lực dấn thân khổ chế, mà còn với sự nghèo khó phúc âm, đời sống huynh đệ, sứ mệnh, đời sống cầu nguyện và sự thánh thiện của tuổi trẻ. Có lẽ chứng tá về việc lao động vui tươi, sáng tạo, sống cùng nhau như những người con, những người bạn mà không phải như đầy tớ, theo Phúc Âm, có thể là một dấu hiệu của hy vọng trong thời điểm đầy mâu thuẫn này.