Sr. Teresa Huyền Trâm, FMA và Sr. Teresa Phạm, FMA
Vào ngày 20 – 21/3/2023, tại Tỉnh Dòng Đức Mẹ Phù Hộ diễn ra khoá thường huấn lần 1 cho các chị em. Nội dung thường huấn này nhằm giúp các chị em đào sâu hơn về truyền thông về tài liệu “Hướng dẫn về sự hiện diện của các FMA trên mạng xã hội”. Tài liệu này là kết quả làm việc của ban Truyền thông và ban Đào luyện Trung ương phối hợp cùng nhiều chuyên gia khác nhau và các bạn trẻ.
Khởi đầu khoá học, Sr. Maria Giám Tỉnh nhắc lại với các chị em về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của những ngày thường huấn trong năm. Thường huấn như là một thời gian canh tân, làm mới lại bản thân trong hành trình đào luyện của người tu sĩ. Sơ cũng mời gọi các chị em trở về với giao ước tình yêu, chú tâm đến việc đào luyện trường kỳ, nhất là lưu tâm đến việc đào luyện mình để sự hiện diện của từng người trên không gian mạng xã hội – sân chơi của con người hôm nay thực sự mang sứ điệp Tin Mừng.
Trong phần giới thiệu tài liệu Sr. Maria Anh Thi đã nhắc lại lời ngỏ của Mẹ Yvonne Reungoat – nguyên Bề trên Tổng Quyền: “Chúng tôi muốn các chị em trở thành địa điểm diễn tả động lực sâu xa về sự hiện diện mang tính đoàn sủng của chúng ta. Sự hiện diện trên mạng xã hội đã trở thành sân chơi thường xuyên nhất của những người trẻ trong thời đại của chúng ta.”, cùng với lời mời gọi của Tổng Tu nghị XXIII “…tất cả chúng ta được mời gọi, trong tư cách là các FMA, …nhận thức truyền thông như một sứ mệnh…để tham gia vào thế giới kỹ thuật số không chỉ với tư cách là người người sử dụng, mà còn với tư cách là những người tìm kiếm ý nghĩa và cổ võ cho một nền văn hóa mới”. Sơ còn trình bày cho các chị em thấy được bối cảnh truyền thông đương đại. Dựa trên tài liệu, Sơ giúp các chị em hiểu hơn về những khái niệm truyền thông hiện nay như Web 1.0, 2.0, 3.0, cách mạng 4.0… Qua đó, các chị em ý thức: “sự chuyên nghiệp không hệ tại ở việc sử dụng các thiết bị công nghệ, mà là sống có trách nhiệm với thế giới này trong tư cách là nhân chứng của các giá trị Tin mừng và đoàn sủng.”.
Sau đó, Sr. Teresa Đoan Trang chia sẻ với các chị em phần thứ 2 về “nguồn cội truyền thông đoàn sủng” và phần 3 về “những thách thức và ảnh hưởng của truyền thông trong đào luyện”. Sr. Teresa cho các chị em làm việc nhóm để trao đổi, thảo luận và trình bày những suy tư của tài liệu hướng dẫn. Sau phần trình bày của các nhóm, Sr. Teresa đúc kết những nội dung chính yếu cùng với những chia sẻ cụ thể, sâu sắc của Sơ đã giúp các chị em nắm bắt và hiểu rõ hơn những điều tài liệu nói đến. Một lần nữa, Sơ cho thấy tầm quan trọng trong sứ mệnh giáo dục truyền thông: “chúng ta đang trong thời kỳ phải hành động, vì thế chúng ta phải làm việc và cho người khác biết điều tốt chúng ta làm. Thế giới cần nhìn thấy và chạm đến.” (M.B.XIII, 126 – 127).
Ngày thứ hai mở đầu với sự chia sẻ rất thực tế và cần thiết về “vấn đề an toàn dữ liệu trên mạng và trong máy tính”, sử dụng sao cho an toàn, bảo mật và hiệu quả nhất của anh Đaminh Savio Đinh Duy Minh Nhật. Anh chia sẻ “việc an toàn khi sử dụng Internet khởi đi từ việc sử dụng máy tính cá nhân, máy tính chung có hiểu biết và đúng cách”. Buổi chiều, Sr. Maria Anh Thi tiếp tục với phần chia sẻ về “sứ mạng, quyền và nghĩa vụ của các FMA trong môi trường kỹ thuật số”. Các chị em cùng nhau thảo luận nhóm để đúc kết nội dung sao cho dễ nhớ để thực hiện khi hiện diện trong thế giới kỹ thuật số. Kết thúc phần chia sẻ của mình Sr. Maria Anh Thi gửi đến các chị em lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “đừng sợ trở thành những công dân trong môi trường kỹ thuật số… hãy là dầu thơm xoa dịu vết thương và là rượu mới mang lại hạnh phúc. Hãy để cho sự sáng của chúng ta đến từ việc chúng ta làm cho mình trở thành người thân cận của những người mình gặp thấy bị thương trên đường, với tình yêu và với sự dịu dàng.” (Sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 48)
Những ngày thường huấn khép lại với những điều mới mẻ, với một tầm nhìn được mở rộng hơn. Ước mong sao tất cả những hoa trái tốt đẹp đó được các chị em ứng dụng vào đời sống thực tế khi hiện diện trên môi trường kỹ thuật số, không gian mạng, giống như tài liệu đã nói đến “vấn đề đặt ra đối với đời sống thánh hiến không phải là làm thế nào để ‘sử dụng’ tốt mạng xã hội như người ta thường nghĩ, mà là làm thế nào để ‘sống’ tốt trong thời đại internet”.