Emma
Có bao giờ bạn chạnh lòng khi thấy một đứa trẻ nhem nhuốc bán hàng rong, hay thấy một cụ già gầy gò, run rẩy đi nhặt ve chai?
Có bao giờ lòng bạn chùng xuống khi nghe nông dân đâu đó ế cả vườn trái cây hay phải tiêu hủy cả trại heo vì dịch bệnh?
Có bao giờ bạn tức tối thay cho một người bị oan ức?
Có bao giờ bạn xót xa khi nghe bản án tử hình cho một thanh niên phạm tội giết người?
Có bao giờ bạn thấy sống mũi cay cay khi nhắc nhớ đến một nghĩa cử yêu thương mình đã nhận được?
Hoặc trong bất cứ hoàn cảnh nào khác, có bao giờ bạn thấy cái gọi là “lòng trắc ẩn” trong mình?
Chắc chắn là có! Dù ít dù nhiều, cách này, cách khác, ai ai cũng có những lần như thế.
Khi nơi bạn có lòng trắc ẩn, lòng thương người, điều đó có nghĩa là bạn mang gen của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tình yêu sinh ra con người giống hình ảnh Ngài: biết yêu thương.
Tôi nghĩ đoạn Tin Mừng Lc 6, 27 – 38 là bản phân tích tính trạng đặc trưng nhất, độc đáo nhất trong DNA của Thiên Chúa: “…Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em, … Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại… Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy…. Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.”
Đọc đoạn Tin Mừng trên, tôi nghĩ đến những người trẻ. Ngày nay không thiếu tin tức rùng rợn về những thanh niên giết người, cướp của, đánh ghen, … nhưng vẫn có biết bao bạn trẻ đang sống rất đẹp. Tôi quý mến sự hào phóng của: Họ thích làm bạn của nhau hơn là cạnh tranh, không thích đôi co kì kèo, không chấp nhất dăm ba cái chuyện tẹp nhẹp. Họ không nói “đáng thương thật”, hay “tội nghiệp” ai đó. Nhưng họ hành động. Như chuyện chàng trai dừng xe tặng áo ấm của mình cho một em bé ở Hà Nội giữa trời đông(1), hay những người tình nguyện chuyên chở hàng cứu trợ trong thời gian đại dịch, … họ chẳng kịp dừng lại để nhận lời cám ơn, cứ như thế: Thấy tốt thì làm. Lòng tốt của họ có thể bị lợi dụng, nhưng họ vẫn chấp nhận “thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót”(2).
Chẳng phải là họ có DNA của Thiên Chúa đó sao? “Người là Đấng nhân từ, Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”. (Lc 6,36.35)
Chúng ta biết rằng tính trạng, hay nhân cách của một người được hình thành không chỉ bởi gen mà còn bởi yếu tố bên ngoài (môi trường, dinh dưỡng, giáo dục, tương tác xã hội, ….). Câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” khẳng định lòng nhân từ Thiên Chúa đặt vào trong mỗi con người. Tuy nhiên, hạt giống tốt đó sẽ lụi tàn nếu không được sống trong môi trường yêu thương, không được chăm sóc, giáo dục tử tế.
Biết bao nhiêu vụ thanh thiếu niên sa vào con đường phạm pháp, suy cho cùng thì tôi thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Họ thực sự thiếu và yếu. Họ thiếu thốn tình thương, nên đi tìm cái gì đó để bù đắp, mà tìm không được nên làm liều. Họ yếu lòng vì những nỗi sợ: sợ mất cái này, cái nọ, sợ mất thanh danh, sợ mất người yêu, … Và yếu lòng nên họ không kiềm chế, không tự chủ được khi tính hung bạo nổi lên. Có thể họ đã được dạy và đã làm nhiều điều tốt, nhưng có lẽ họ chưa được học cách tha thứ, độ lượng, yêu thương cả những người ghét mình, khinh khỉnh mình, dèm pha mình, … Đó là cái thiếu so với lòng nhân từ mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ, Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6, 36.35). Thế nên không chỉ luyện lòng tốt của mình, chúng ta cũng đừng ngần ngại để luyện lòng tốt cho trẻ, các em sẽ yêu thương khi các em biết các em được yêu thương, biết tha thứ khi biết được thứ tha, biết cho đi khi biết đã được nhận lãnh.
Được sinh ra làm người, chắc chắn ai cũng có DNA của Thiên Chúa là yêu thương, nhân từ, nhưng Ngài cần chúng ta tạo môi trường tốt để mỗi người phát huy phẩm chất đó. Thánh Gioan Bosco từng kinh nghiệm: “Ai mà biết được nếu các người trẻ tuổi bé nhỏ này (các tù nhân) mà có được ở bên ngoài một người bạn biết chăm sóc cho chúng, hộ trực chúng, nâng đỡ chúng và dạy dỗ chúng trong đạo giáo, trong các ngày lễ, thì chẳng lẽ họ lại không có thể giữ mình xa khỏi sự hư hoại hay ít nhất là làm giảm đi được con số của những người phải trở lại nhà tù?” (3)
***
Tham khảo
- https://bitly.com.vn/mdza2w
- https://bitly.com.vn/pjh5hz
- Hồi kí nguyện xá thánh Phanxicô Salê, chương 27.