SỐNG BÌNH AN TRONG CHÚA
(Cv 14:19-28; Ga 14:27-31a)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Thường chúng ta hay kể về những thành quả và chiến tích vẻ vang của mình trong công việc; chẳng mấy khi chúng ta kể đến những thành công của người khác. Nói cách chân thật hơn, chúng ta thường hay “nói tốt” về mình và “nói xấu” người khác. Điều đó xảy ra vì chúng ta quên mất một Đấng luôn đồng hành và muốn chia sẻ với chúng ta tất cả những gì chúng ta thực hiện trong cuộc sống thường ngày.
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về hình ảnh của Phaolô và Banaba. Hai ngài đã chịu rất nhiều ngược đãi. Phaolô đã bị ném đá và lôi ra ngoài thành. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ và giúp ngài tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Điều làm chúng ta quan tâm để suy gẫm ở đây là khi Phaolô và Banaba trở về với cộng đoàn các môn đệ tại Antiôkhia, “là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành [rao giảng Tin Mừng]” (Cv 14:26), các ngài “tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:28). Chúng ta thấy Phaolô và Banaba không kể gì khác ngoài việc “kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông.” Hai ngài không kể chiến tích hiển hách của mình, nhất là việc nhờ các ngài mà dân ngoại được nghe Tin Mừng và tin vào Thiên Chúa. Mọi sự các ngài đều quy về cho Thiên Chúa, Đấng luôn hoạt động với, qua và trong các ngài. Chúng ta cần học ở Phaolô và Banaba: khi gặp gỡ nhau, chúng ta nói cho nhau nghe những điều Thiên Chúa đã làm cùng với chúng ta hơn là “nói xấu” người khác. Hãy sống luật sống này: “Khi bạn mở miệng, hãy nói tốt cho người khác. Nếu bạn không thể nói tốt cho người khác, tốt nhất là bạn hãy im lặng.”
Sau khi cho các môn đệ biết về vai trò của Đấng Bảo Trợ (câu 26), Đấng sẽ đến sau khi Ngài ra đi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ không nên sợ hãi và xao xuyến vì Ngài ban cho họ bình an của Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Bình an là điều ai trong chúng ta cũng tìm kiếm. Chúng ta thường nghe rằng: bình an hay hoà bình không phải là không có chiến tranh, nhưng là sau chiến tranh biết tha thứ và bắt đầu xây dựng lại trên yêu thương. Trong những lời trên, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ thấy có hai loại bình an: bình an Ngài ban và bình an theo kiểu thế gian. Bình an theo kiểu thế gian là bình an chóng qua, vẫn để lại trong chúng ta sự xao xuyến và sợ hãi sẽ bị cướp mất bình an. Bình an Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta là bình an của tâm hồn, là bình an của những người được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi, là bình an của những người cảm nhận được mình được yêu một cách vô điều kiện.
Ngoài việc an ủi các môn đệ không sợ hãi và xao xuyến khi Ngài ra đi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải vui mừng vì nếu Ngài không đi thì Ngài không trở lại với các môn đệ: “‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (Ga 14:28-29). Trong cuộc tranh luận với lạc giáo Ariô, câu “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” được sử dụng để cũng cố luận chứng của những người xây dựng nền “Kitô học lệ thuộc.” Như chúng ta đọc thấy, Tin Mừng Thánh Gioan luôn khẳng định sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, nên không thể nào chứa đựng một nền Kitô học như thế. Lối diễn tả trên, như trong sách Châm Ngôn (13:16), là một cách thức của Tin Mừng trình bày Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến. Ngài hành động hoàn toàn trong sự vâng phục với những gì Ngài đã thấy và đã nghe từ Chúa Cha và như thế không phải là một lời tuyên bố mang tính lộng ngôn khi nói mình là “Thiên Chúa.” Là người môn đệ, chúng ta cũng được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng, nhưng chúng ta thường có khuynh hướng nói những gì mình thích hơn là những gì chúng ta đã thấy và đã nghe từ Thiên Chúa. Để sống hoàn toàn vâng phục với thánh ý Chúa, chúng ta phải có một mối tương quan thật mật thiết với Chúa Cha như Chúa Giêsu. Mối tương quan này là mối tương quan của tình yêu, của hai con tim luôn đối thoại với nhau và cùng nhau đập chung một nhịp. Chỉ như thế, chúng ta mới hiểu được điều Chúa Giêsu nói là Chúa Cha thì cao trọng hơn.
Bài Tin Mừng kết thúc với việc Chúa Giêsu khẳng định rằng qua cuộc thương khó của mình, Ngài diễn tả tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha: “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14:30-31a). Cuộc thương khó của Ngài là sự diễn tả cách triệt để nhất sự vâng phục của Ngài và qua đó, Ngài chứng tỏ rằng lương thực của Ngài là thực thi thánh ý của Chúa Cha. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng cái chết của Chúa Giêsu không phải là một cái gì mang tính tạm thời, có nghĩa là cho đến khi Ngài phục sinh, là chiến thắng Satan, nhưng là dấu chứng của sự vậng phục đầy yêu thương của Chúa Con dành cho Chúa Cha. Mẫu gương của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống những giây phút khó khăn và đau khổ với niềm phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng, chiến thắng những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống có thể dễ dàng hơn việc nhận biết rằng sống phó thác, gắn bó với Chúa trong khó khăn và đau khổ là dấu chứng của sự vâng phục đầy yêu thương của chúng ta dành cho Thiên Chúa.