TÔN VINH THIÊN CHÚA QUA LỜI KINH NGUYỆN
(Cv 20:17-27; Ga 17:1-11a)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe đến một cộng đoàn rất thân thương của Thánh Phaolô, đó là cộng đoàn Êphêsô, mà ngài viết đã viết thư cho họ. Để hiểu đoạn trích hôm nay, chúng ta cần phải biết về thính giả của Thánh Phaolô, đó là các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô. Họ là những người lãnh đạo và hướng dẫn cộng đoàn. Từ những lời ngài nói cho họ, chúng ta nhận ra ba ý tưởng:
Ý tưởng thứ nhất là “ôn lại quá khứ”: “Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến Axia, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do Thái. Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. Tôi đã khuyến cáo cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (Cv 20:18-21). Trong quá khứ, chúng ta đã sống với người khác như thế nào?. Nếu ôn lại quá khứ, chúng ta có thể thốt lên những lời như trên của Thánh Phaolô không? “Tôi đã phục vụ anh chị em,” “tôi đã hết lòng khiêm nhường,” “tôi đã nhiều lần rơi lệ” [vì anh chị em], “tôi đã gặp bao thử thách và bị chống đối,” “tôi đã không bỏ qua một cơ hội nào để nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho anh chị em,” “tôi đã khuyến cáo anh chị em khi anh chị em đi sai đường,” và “tôi đã làm mọi việc để anh chị em tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta.” Nếu quá khứ của chúng ta chưa được đẹp như Thánh Phaolô, chúng ta hãy sống tốt giây phút hiện tại cách sung mãn như được Thánh Phaolô gợi ý trong hai ý tưởng tiếp theo.
Ý tưởng thứ hai là “sống hiện tại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20:22-24). Với những lời này, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải sống giây phút hiện tại trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để có thể sẵn sàng đón nhận những xiềng xích và gian truân với niềm tin và sự trung thành. Nói cách khác, chúng ta phải sống trọn vẹn giây phút hiện tại để làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa dù phải đối diện với đau khổ, chống đối và gian truân.
Ý tưởng thứ ba là “sống trọn vẹn cho Nước Thiên Chúa trong giây phút hiện tại”: “Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20:25-27). Trong ý tưởng này, Thánh Phaolô nói về sự vô can của mình trong việc hư mất của người khác, vì ngài đã không bỏ qua điều gì, nhưng đã rao giảng cho họ tất cả ý định của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống giây phút hiện tại với sự trao ban trọn vẹn, không giữ lại gì cho chính mình, nhất là những gì giúp người khác đón nhận Tin Mừng và biết ý định của Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt đầu nghe trình thuật về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Chúng ta sẽ nhận ra một vài điểm tương đồng giữa lời cầu nguyện này với lời Kinh Lạy Cha như sau: (1) Việc sử dụng từ “Cha” như là hình thức để gọi Thiên Chúa; (2) vinh quang của Thiên Chúa và việc sử dụng danh xưng của Thiên Chúa (x. Ga 17:1,11-12); (3) thực hành thánh ý Thiên Chúa (x. Ga 17:4); (4) lời cầu xin để được giải thoát khỏi “sự dữ” (x. Ga 17:15). Cũng giống những hình ảnh cầu nguyện khác của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan, lời cầu nguyện này phản chiếu sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con và việc Chúa Giêsu hoàn toàn tận hiến chính mình cho sứ mệnh được trao phó. Lời cầu nguyện này cũng tiếp tục những gì đã được ám chỉ trong những trình thuật trước về sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con với các môn đệ như là nền tảng mà trên đó các môn đệ tiếp tục “ở lại trong thế gian.” Tóm lại, trong lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu chỉ ra mục đích của cầu nguyện là đạt đến sự hiệp nhất [nên một] với Thiên Chúa và nên một với anh chị em mình theo kiểu mẫu của sự nên một của Chúa Cha và Chúa Con. Cầu nguyện càng làm chúng ta gần Chúa và gần nhau hơn. Nếu điều này chưa hoặc không xảy ra trong cầu nguyện, thì thật sự chúng ta chưa biết hoặc không cầu nguyện với trọn con tim.
Chúng ta thấy bài Tin Mừng này có hai phần: Phần 1 nói về lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha để được trở về với vinh quang mà Ngài có với Chúa Cha (Ga 17:1-5) và phần 2 là bản “tóm tắt” những gì được trao ban cho những người được chọn bởi Thiên Chúa và nhận được sự mạc khải Chúa Giêsu mang đến. Trong phần 1, chúng ta thấy, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh mình vì “giờ” của Ngài đã đến: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:1-5). Những lời này giúp chúng ta hiểu về “giờ” của Chúa Giêsu. Khi “giờ” của Ngài đến, Chúa Giêsu được tôn vinh vì Ngài đã hoàn thành công việc được Chúa Cha trao, đó là tôn vinh Chúa Cha qua việc ban sự sống đời đời, và xin Chúa Cha tôn vinh mình. Trong và qua “giờ” của mình, Chúa Con sẽ được ban cho quyền trên hết mọi phàm nhân, đó là quyền ban sự sống và xét xử (x. Ga 5:20-27). Trong những lời trên, Thánh Gioan cũng đưa chúng ta về lại với Lời Dẫn của Ngài nhằm mục đích làm sáng tỏ rằng Chúa Giêsu là Đấng “đến từ Thiên Chúa,” là một với Thiên Chúa, điều mà những người chống đối Ngài không thể biết và hiểu; Thánh nhân không nhằm mục đích trình bày Chúa Giêsu là một người công chính, một con người hoàn toàn vâng phục được Thiên Chúa sai đến, là người được tôn vinh trên trời. Chúng ta cũng đã được nên một với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa qua bí tích rửa tội. Chúng ta đã sống điều này như thế nào? Trong bí tích rửa tội, chúng ta đã được Chúa Giêsu ban cho sự sống đời đời. Chúng ta đã gìn giữ sự sống này như thế nào?
Trong phần 2, Chúa Giêsu nhìn đến các môn đệ thân tín của Ngài, là những người được ám chỉ trong lời cầu nguyện của Ngài: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. ‘Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17:6-11a). Những lời này tóm kết tất cả những gì đã được ban cho những người được Thiên Chúa chọn và đón nhận sự mạc khải mà Chúa Giêsu mang đến. Câu 6-8, đổi ngược lời luận phạt của những kẻ không tin trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x. Ga 8:23,28,58). Các môn đệ của Chúa Giêsu biết nguồn gốc thật của Ngài và biết rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự mà Chúa Giêsu đã nói và làm. Trong trình thuật, thuật ngữ “thế gian” được sử dụng như là biểu tượng của sự không tin và ghen ghét mà sự mạc khải của Chúa Giêsu phải đối diện. Vì vậy, các môn đệ được xem như là những người được ban cho Chúa Giêsu “từ thế gian.” Nói cách khác, Chúa Cha đã “lấy các môn đệ từ thế gian” mà ban cho Chúa Giêsu. Nên các môn đệ không còn thuộc về thế gian, dù sống trong thế gian. Chúng ta cũng là những người được Chúa Cha lấy từ thế gian để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn sống lối sống của thể gian và chỉ thuộc về Chúa Giêsu một cách nửa vời. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ [cho chúng ta]nhắc nhở chúng ta về phẩm giá cao quý của mình, đó là chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Cha, thuộc về Chúa Giêsu chứ không thuộc về thế gian.