Lm. Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
LÀM ÁNH SÁNG VÀ MUỐI MEN CHO ĐỜI
(1 V 17:7-16; Mt 5:13-16)
Hình ảnh bà goá trong bài đọc 1 hôm nay làm chúng ta nhìn lại đời sống quảng đại và đức tin của mình. Êlia tiếp tục đi theo hành trình Thiên Chúa đã vạch ra và Thiên Chúa tiếp tục cung cấp cho ông những gì cần thiết cho hành trình: “Bấy giờ có lời Đức Chúa phán bảo ông: “Ngươi hãy đứng dậy đi Xarépta, thuộc Xiđôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi” (1V 17:8-9). Lần này, Thiên Chúa cung cấp cho Êlia qua một bà goá. Điều đáng để chúng ta học hỏi nơi bà goá là sự quảng đại và tin tưởng vào lời của Thiên Chúa. Dù trong sự thiếu thốn và khốn cùng của mình, bà quảng đại trao ban cho Êlia tất cả những gì ông cần, đó là nước uống (x. 1V 17:10-11) và bánh ăn (x. 1V 17:12). Sự quảng đại của bà được đặt trên niềm tin vào lời của Thiên Chúa nói qua miệng của ngôn sứ: “Ông Êlia nói với bà: ‘Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này: ‘Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất’” (1V 17:13-14). Những chi tiết này giúp chúng ta nhìn lại nền tảng của sự quảng đại của mình. Nhiều lần, chúng ta cũng sống quảng đại, nhưng chúng ta đặt sự quảng đại của mình trên những gì chúng ta có [sự giàu sang, tài năng, v.v.]. Bà goá dạy chúng ta đặt nền tảng của sự quảng đại trên niềm tin vào Chúa, Đấng sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa [“Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” (1V 17:15-16)].
Thánh Mátthêu đã lấy những câu nói từ Chúa Giêsu trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (x. Mc 9:50; 4:21; Lc 8:16; 11:33; 14:34-35), sử dụng hình ảnh muối và ánh sáng, và áp dụng chúng cho thính giả của bài giảng. Trong thời gian đó, Pliny viết: “Không có gì hữu dụng cho bằng muối và ánh sáng.” Thánh Mátthêu nhấn mạnh đến việc gọi thính giả cách cá vị qua việc lặp đi lặp lại “anh em” và “của anh em.” Thật ra, Ngài nói với các môn đệ: mặc dù bị bách hại, anh [chị] em có một ơn gọi cho thế gian.
Điều đầu tiên là Chúa Giêsu dùng hình ảnh muối để ví các môn đệ của mình: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5:13). Theo nghĩa hẹp, muối không thể mất đi vị của mình và mãi mãi là muối. Nhưng trong Do Thái Giáo, muối có thể trở thành thứ không trong sạch và cần phải bị quăng ra ngoài. Muối vừa là một trong các gia vị làm cho thức ăn đậm đà, vừa là đồ bảo quản để cho thức ăn không bị hư thối. Vì vậy, muối là một vị thầy tuyệt vời. Lối diễn tả về định mệnh của muối sử dụng hình ảnh về sự phát xét của Thiên Chúa. Những chi tiết trên khuyến cáo chúng ta về lối sống của mình. Mỗi người chúng ta được mời gọi không chỉ làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp mà còn bảo vệ cuộc sống tươi đẹp đó khỏi những tấn công của những lối sống đi ngược với Tin Mừng.
Hình ảnh thứ hai được Chúa Giêsu sử dụng để nói về ơn gọi của các môn đệ trong thế gian là ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:14-16). Hình ảnh ánh sáng được áp dụng cho Thiên Chúa, cho Israel (x. Rom 2:19). Trong Tân Ước, ánh sáng được áp dụng cho Chúa Giêsu (x. Mt 4:16; Lc 1:79; 2:32; Phil 2:15; Eph 5:8). Hình ảnh “một thành xây trên núi” được lấy từ sách Ngôn sứ Isaia (2:2-5). Nếu đây là một thành miền núi thuộc Galilê được ám chỉ đến, đối tượng chính có thể là thành Hippos; còn không là Giêrusalem. Với niềm tin, các môn đệ sẽ không bỏ đi sứ vụ của mình trên thế gian. Hình ảnh “thắp đèn để trên đế” giả định ngôi nhà một phòng ở Palestine, một cây đèn dầu bằng đất, và một bàn ăn. Hình ảnh này ám chỉ việc các môn đệ không sống cho chính mình, nhưng cho người khác. Thánh Mátthêu viết phần kết luận lấy từ những yếu tố thánh sử lấy được từ truyền thống: “Hãy để cho ánh sáng của anh em chiếu sáng.” Câu này chứa đựng một hành động cân bằng giữa làm việc tốt và không được tự hào hoặc tìm kiếm danh lợi. Cuộc sống của người môn đệ được diễn tả trong phần còn lại của bài giảng không được dẫn đến tình trạng vô tri, nhưng mang lại sự sám hối của nhiều người trở về với “Thiên Chúa là Cha của anh em ở trên trời.” Đây chính là đặc tính của Chúa Giêsu khi Ngài gọi Thiên Chúa là Cha. Tóm lại, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ sống thật với bản chất của mình: Là người, là người công giáo, là người đời, là tu sĩ, là giáo sĩ. Mỗi người phải sống đúng, sống thật với ơn gọi của mình. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên vô dụng trước mặt Chúa và có thể nói là trở thành trò cười trước mặt thiên hạ.