ĐỂ HẠNH PHÚC VÀ SỐNG LÂU: HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ
(Hc 44:1.10-15; Ep 6:1-4.18-23; Mt 15:1-6)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Theo bản tính tự nhiên, con người ai cũng nhớ đến cội nguồn, nhớ đến những người có công sinh thành ra mình. Trong Mười Điều Răn, Đức Chúa cũng truyền dạy cho con cái Israel phải thảo hiếu vớic cha mẹ. Theo truyền thống của người Việt, việc giữ đạo nghĩa với cha mẹ là điều quan trọng nhất trong đạo hiếu làm con: “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Hôm nay ngày mồng hai tết, chúng ta cùng nhau kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Như chúng ta biết, có nhiều lý do để cho biết tại sao chúng ta phải giữ đạo hiếu với cha mẹ. Nhưng đối với chúng ta, những người Kitô giáo, không có gì tốt cho bằng việc để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc thảo hiếu với cha mẹ.
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Đức Huấn Ca mời gọi chúng ta phải biết nhớ đến và ca ngợi tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng ta vì “các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng” (Hc 44:10). Điều đáng buồn thay ngày nay nhiều người con đã lãng quên cha mẹ của mình khi các ngài còn sống và cũng không nhớ đến những người đã khuất bóng. Nhưng dù các ngài có bị lãng quên thì các ngài vẫn để lại “một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con” (Hc 44:11). Những lời này nhắc nhở con cháu biết điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống. Nhiều người cầu mong ông bà cha mẹ để lại cho một gia tài vật chất đồ sộ mà không biết rằng gia tài quý giá nhất các ngài để lại chính là sự sống của mình. Thật vậy, sự sống là món quà đẹp nhất mà tổ tiên ông bà đã để lại cho chúng ta. Hãy trân trọng nó và sống cho xứng đáng, để vinh quang của tổ tiên và ông bà cha mẹ chẳng bị phai mờ và “các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:14-15). Đừng làm cho danh thơm tiếng tốt của tổ tiên và ông bà cha mẹ bị người đời khinh chê bằng đời sống không tốt đời đẹp đạo của mình.
Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã đưa ra cho chúng ta những thái độ mà những người con cần phải có để tỏ lòng thảo kính cha mẹ, đồng thời thánh nhân cũng đưa ra những cách cư xử mà cha mẹ cần phải có để được con cái kính trọng. Theo thánh nhân, “kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Eph 6:3). Với những người làm con, đức vâng phục là nhân đức quan trọng nhất. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều con cái nhân danh tự do và như thế không còn vâng phục các đấng sinh thành. Họ thường coi các đấng sinh thành của mình là những người “cổ hủ, không hợp với thời đại.” Nhiều người còn cảm thấy xấu hổ với sự “đơn sơ, chất phác hay quê mùa” của các đấng sinh thành. Thánh Phaolô chỉ dạy những ai làm con rằng, để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất, họ phải tôn kính và vâng phục các đấng sinh thành nên mình. Về phía cha mẹ, để được con cái kính trọng, thánh Phaolô khuyên “những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6:4). Những người làm cha mẹ phải nhận ra rằng họ là những người thay mặt Chúa để chăm sóc và giáo dục con cái. Vì vậy, cuộc sống của họ phải phản chiếu được tình yêu của Chúa cho con cái mình. Nói cách khác, cha mẹ phải sống thế nào để qua sự hiện diện của mình, con cái nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Hơn nữa, để không làm cho con cái tức giận và hoảng sợ, các bậc làm cha mẹ phải là những người không được tức giận. Họ phải là những người học và thực hành tận căn điều Chúa Giêsu mời gọi mọi người: “Hãy học ở nơi Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Trong cuộc sống chúng ta nhận thấy, một giọt mật thì bắt được nhiều ruồi hơn một thùng giấm. Một lời nói hiền dịu thì dễ nghe và đi vào lòng người hơn ngàn lời nói trong khi tức giận. Chúng ta hãy kìm hãm sự tức giận của mình, vì giận quá mất khôn; chúng ta sẽ nói những lời thiếu tế nhị và làm những hành động gây tổn thương cho người khác.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu trình thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu tranh luận với mầy người Pharisêu về việc giữ truyền thống của cha ông. Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu là: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” (Mt 15:2). Những lời này cho thấy các tiền nhân của chúng ta có để lại một truyền thống mà chúng ta phải hết sức kính yêu và gìn giữ. Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng, những truyền thống này phải đi đúng với những điều răn của Thiên Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu nhấn mạnh trong câu trả lời của Ngài cho mấy người Pharisêu từ Giêrusalem: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15:3-6). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định vị trí tối thượng của những điều răn được Thiên Chúa mặc khải trên những truyền thống mà cha ông để lại. Ngài đưa chúng ta trở về với ý định của Thiên Chúa trong việc thảo kính cha mẹ chứ không muốn chúng ta dừng lại ở truyền thống hạn hẹp mà chúng ta có để thảo kính cha mẹ. Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải thảo kính cha mẹ theo ý Thiên Chúa muốn, chứ không phải theo ý chúng ta muốn.
Trong cuộc sống hôm nay, việc thảo kính cha mẹ đang dần bị lãng quên và trở thành gánh nặng cho nhiều người. Biết bao nhiêu cha mẹ sống cô đơn những ngày tháng của tuổi già trong căn hộ, căn nhà hoặc căn phòng nhỏ bé trong viện dưỡng lão của mình. Mỗi ngày mong ngóng các con các cháu đến thăm. Khi các con các cháu đến thăm, các ngài mong níu kéo một chút thời gian để được ở bên con cháu lâu hơn. Nhưng con cháu thì vô tình vội vàng chào hỏi cho xong bổn phận rồi về lại với những thú vui của mình. Có một nguyên lý đáng buồn trong cuộc sống là: Chúng ta dành nhiều thời gian cho bạn bè mà không một lời than phiền; còn chỉ dành tí thời gian thăm cha mẹ đã thấy khó chịu và phàn nàn. Ông bà chúng ta quả đúng khi nói: “[Cha] mẹ nuôi con như biển hồ lai láng; con nuôi [cha]mẹ kể tháng kể ngày.” Hỡi những kẻ làm con, hãy sống cho trọn đạo hiếu vì đó là điều Chúa muốn và đó cũng là lòng biết ơn đối với những người đã cho chúng ta sự sống này.
Cuối cùng, chúng ta thường đi ra nghĩa trang ngày mồng hai tết để viếng mồ hoặc tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, và cha mẹ đã qua đời. Đây là điều mà chúng ta có thể làm cho những người thân của mình mà Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 2: “Dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi” (Eph 6:18). Tuy nhiên, một thực tế đau lòng mà chúng ta phải xét lại chính thái độ sống của chúng ta với ông bà cha mẹ khi chúng ta ra viếng mồ các ngài. Thực tế đau lòng đó là: Nhiều người trong chúng ta chờ đến lúc quá muộn để yêu thương và chăm sóc ông bà cha mẹ, tức là chúng ta chờ đến khi các ngài đã khuất rồi mới tiếc nuối là đã không yêu thương, không chăm sóc các ngài cho đủ. Chúng ta tốn thật nhiều tiền để xây những nấm mồ thật đẹp và thật to. Nhưng khi các ngài còn sống, chúng ta lại tiếc từng đồng khi biếu cho các ngài. Người ta thường nói: “Nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược” hoặc “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.” Quả là đúng như thế! Hãy chăm sóc và yêu thương ông bà cha mẹ ngay ngày hôm nay. Hãy thảo hiếu và vâng phục các ngài, đừng để những ngày còn lại của cuộc sống các ngài phải sống trong buồn phiền và nước mắt.