SỐNG NHÂN TỪ VỚI NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI
(Đn 13:1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8:1-11)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Mỗi khi gặp khó khăn và không được ai hiểu, chúng ta có chạy đến với Chúa không? Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta nghe về câu chuyện rất cảm động của bà Susana, một người không chỉ đẹp bên ngoài, nhưng còn đẹp cả bên trong: “bà rất xinh đẹp và kính sợ Chúa” (Đn 13:2). Câu chuyện của bà là câu chuyện của những người bị tố cáo cách bất công và không thể biện minh cho chính mình. Nhưng Thiên Chúa thấu hiểu tâm can con người từng gang tấc. Ngài sẽ là người minh oan cho những người bị tố cáo cách bất công. Bà Susana dạy chúng ta những điều sau đây khi đối diện với những tố cáo bất công hoặc bị hiểu lầm trong đời sống gia đình hay cộng đoàn: (1) thinh lặng; (2) sợ làm mất lòng Thiên Chúa hơn là sợ làm mất lòng người đời; (3) tin cậy vào Thiên Chúa, Đấng sẽ minh oan cho mình. Từ gương sáng của bà Susana, chúng ta có thể rút ra hai điều sau để suy gẫm:
Thứ nhất, thà làm mất lòng người đời hơn là làm mất lòng Chúa: “Bà Susanna thở dài não nuột và nói: ‘Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!’ (Đn 13:22-23). Nhiều lần trong cuộc sống, vì tính cả nể nên chúng ta sợ làm mất lòng người khác, nhất là những người mà chúng ta mang ơn, hơn là sợ làm mất lòng Thiên Chúa. Gương sáng của bà Susana nhắc nhở chúng ta về việc phải sợ ai: sợ người chỉ giết chết thân xác chúng ta hay Đấng có thể ném cả hồn và xác vào lửa không bao giờ tắt.
Thứ hai, hãy thinh lặng và mở lòng ra với Thiên Chúa, Đấng sẽ minh oan cho chúng ta: “Nhưng bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: ‘Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con’ (Đn 13:42-43). Chúng ta thấy trong bài đọc 1, Thiên Chúa đã nghe lời van xin của bà Susana và sai Đanien đến minh oan cho bà. Chúng ta cũng sẽ thấy Thiên Chúa dùng mọi hình thức khác nhau để giải thoát những tâm hồn tin cậy vào Ngài. Hãy giữ thái độ bình thản và trông cậy vào Thiên Chúa dù chung quanh bạn không còn ai hiểu bạn.
Lời của Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay diễn tả đúng tâm tình của bà Susana và của mỗi người chúng ta khi phải đi trong bóng đen của những xét đoán bất công từ người khác: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” Dù đi trong đêm đen của cuộc đời, con không còn sợ nguy khốn vì có Chúa là ánh sáng soi bước chân con. Đây chính là đề tài mà Thánh Gioan trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đức Giêsu nói với người Pharisêu rằng: ‘Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống’” (Ga 8:12). Chỉ những người có Chúa Giêsu là ánh sáng mới có thể nhìn thấy và đọc được ý nghĩa của ơn cứu độ trong bóng đêm đen của cuộc đời mình.
Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay được thêm vào Tin Mừng Thánh Gioan vào thế kỷ thứ 3. Mặc dù câu chuyện lấp đầy khoảng trống bằng việc cung cấp một trình thuật trước Ga 8:12-59, nó không chứa đựng đặc tính nào của thần học và lối viết của Thánh Gioan. Người chép đặt câu chuyện vào đây có thể nghĩ rằng câu chuyện làm sáng tỏ điều Chúa Giêsu nói trong Ga 8:15, “Tôi không phán xét bất kỳ ai,” và 8:46, “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?” Trong câu chuyện, chúng ta thấy những người chống đối Chúa Giêsu đặt một cái bẫy mà Chúa Giêsu phải tránh khỏi bằng một hành động hay lời nói khôn ngoan. Bối cảnh của câu chuyện giả định việc ‘giảng dậy thường ngày trong Đền Thờ” liên kết với sứ vụ ở Giêrusalem của Chúa Giêsu trong Lc 20:1; 21:1,37; 22:53: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga 11:2). Câu chuyện nói về việc Chúa Giêsu tha thứ cho một người phụ nữ tội lỗi. Đề tài này phản chiếu đề tài xuất hiện trong truyền thống đặc biệt của Thánh Luca. Để rút ra bài học cho ngày sống của mình, chúng ta có thể suy gẫm những điểm sau:
Thứ nhất, thái độ của các kinh sư và người Pharisêu: “Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 11:3-6). Các kinh sư và người Pharisêu sử dụng người phụ nữ như là một phương tiện, một cái bẫy để thử và tấn công Chúa Giêsu. Nói cách khác, đối tượng tấn công của họ là Chúa Giêsu chứ không phải là người phụ nữ ngoại tình. Đây cũng chính là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta cũng dùng người khác như phương tiện để đạt được điều mình mong muốn. Chúng ta không đối xử với họ như những chủ thể cần được tôn trọng như chúng ta, nhưng như những ‘con vật thiêu thân,’ những con người tội lỗi đáng bị lên án. Chi tiết này mời gọi chúng ta xem xét lại thái độ sống của mình với Chúa và anh chị em chung quanh.
Thứ hai, thái độ của Chúa Giêsu với các kinh sư và người Pharisêu: “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.’ Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi (Ga 11:6-9). Chúng ta thấy dù hiểu rõ các kinh sư và người Pharisêu tìm cách thử và tố cáo Ngài, Chúa Giêsu rất bình thản, không vội vàng. Ngài sử dụng ‘chiến thuật’ hành động – lời nói – hành động để trả lời câu hỏi của các kinh sư. Trong cấu trúc này, chúng ta thấy kiểu ‘bánh mì kẹp,’ đó là hai hành động giống nhau, đó là cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Đây chính là hình ảnh của sự khiêm nhường, thống hối. Còn cái kẹp giữa quan trọng nhất chính là lời nói. Chính lời nói của Ngài đã đưa thính giả của Ngài đi sâu vào trong tim mình và mang lại nơi họ một sự biến đổi tận căn. Ở đây, điểm đáng lưu ý là những người đến với Chúa Giêsu có sự thay đổi sau khi gặp Ngài: họ không còn lên án người phụ nữ ngoại tình. Điều này xảy ra vì qua hành động và lời nói của Chúa Giêsu đã làm cho họ nhận ra họ cũng là những tội nhân như người phụ nữ, là những người cần được tha thứ. Đây cũng chính là lời mời gọi cho mỗi người trong chúng ta. Tất cả chúng ta là tội nhân. Hãy kiên nhẫn với nhau, đừng xét đoán và lên án người khác vì tất cả chúng ta đều cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa.
Thứ ba, thái độ của Chúa Giêsu với người phụ nữ: “Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: ‘Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?’ Người đàn bà đáp: ‘Thưa ông, không có ai cả.’ Đức Giêsu nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 11:9-11). Chúa Giêsu tỏ thái độ bao dung với người phụ nữ vì Ngài biết thân phận yếu đuối tội lỗi của con người. Ngài không lên án chị, nhưng nhìn chị với ánh mắt cảm thông, tha thứ và yêu thương. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng kiên định trong việc mời gọi chị phải thay đổi lối sống của mình, không trở về lối sống cũ. Chúa Giêsu cũng yêu thương chúng ta như yêu thương người phụ nữ ngoại tình. Ngài cũng mời gọi chúng ta sau khi trở về với Ngài thì đừng phạm tội nữa. Chúng ta chỉ làm được điều này khi chúng ta không tách mình ra khỏi Chúa Giêsu.