TRỞ NÊN ÁNH SÁNG MANG NGƯỜI KHÁC ĐẾN VỚI CHÚA
(Er 1:1-6; Lc 8:16-18)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Chúng ta bắt đầu nghe trình thuật trích từ sách Ét-ra trong bài đọc 1. Sách này trình bày cho chúng ta về việc dân Do Thái trở về từ lưu đày và tái thiết lại đất nước và Đền Thờ Giêrusalem. Điều đáng lưu ý trong bài đọc 1 là việc Đức Chúa “sử dụng” Kyrô, một vị vua thuộc dân ngoại để làm “ứng nghiệm lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia” (Er 1:1). Chi tiết này làm cho chúng ta ý thức hơn về uy quyền của Thiên Chúa. Ngài có thể sử dụng mọi người và mọi sự theo cách thức Ngài muốn để hoàn thành kế hoạch của Ngài. Đường lối của Ngài thường không giống với cách thức quen thuộc mà chúng ta thường làm hoặc thường nghĩ. Vì vậy, để biết và hiểu được thánh ý Thiên Chúa, chúng ta phải có một con tim rộng mở, một tâm trí sẵn sàng ra khỏi lối suy nghĩ hạn hẹp của mình. Hãy trau dồi một lối sống và suy nghĩ rộng mở hầu có thể ôm trọn cả vũ trụ và mọi người, không phân biệt và loại trừ.
Một chi tiết khác trong bài đọc 1 đáng để chúng ta suy gẫm là việc vua Kyrô ý thức được quyền trên mọi vương quốc dưới đất của mình là được Đức Chúa ban cho (x. Er 1:2). Quyền này được dùng trước tiên là để “tái thiết cho Người [Đức Chúa] một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa.” Chi tiết này cho thấy Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành. Tất cả những ơn này giúp chúng ta nhận ra vị trí tối thượng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Nói cách cụ thể hơn, ơn Chúa luôn ban đủ để chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngài một chỗ thật xứng đáng trong con tim [trong gia đình hay cộng đoàn]của chúng ta. Đứng trước lời mời gọi “tái thiết lại đền thờ,” “những người đứng đầu các gia tộc của Giuđa và Bengiamin, các tư tế và các thầy Lêvi, tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Giêrusalem. Mọi người hàng xóm láng giềng đều mạnh tay giúp họ: bạc, vàng, của cải, thú vật, những đồ vật có giá, không kể mọi lễ vật tự nguyện” (Er 1:5-6).
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục điều bài đọc 1 trình bày, đó là Chúa sử dụng những cách thức khác nhau để biểu hiện thánh ý Ngài. Bài Tin Mừng được đặt trong bối cảnh những cách thức khác nhau để lắng nghe lời Chúa. Những lời Chúa Giêsu nói mang tính cách ngạn ngữ. Những hình ảnh Ngài sử dụng cũng rất gần gũi với đời sống hằng ngày của người nghe. Ngài sử dụng những hình ảnh quen thuộc này để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn dạy. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “đốt đèn”: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 8:16). Câu này trình bày cho chúng ta thấy kiểu nhà mà Thánh Luca biết, đó là nhà với sảnh và hành lang. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để ám chỉ đời sống của các môn đệ [trong cộng đoàn Thánh Luca]phải là ánh sáng để đưa những ai tìm Chúa gặp được Ngài. Nói cách khác, người môn đệ phải biểu lộ cho người khác ánh sáng của Lời Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta đã trở nên ánh sáng để soi rõ bước chân cho những anh chị em đang đi tìm Chúa chưa? Nhiều lần, thay vì là ánh sáng, chúng ta trở thành bóng tối che khuất đi lời Chúa để những người tìm kiếm không thể tìm thấy. Điều này xảy ra khi chúng ta không sống đúng với căn tính của mình là Kitô hữu hay những người được thánh hiến. Hãy là ánh sáng dọi bước chân cho những người tìm kiếm Chúa.
Chi tiết thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta suy gẫm là lời dạy của Chúa Giêsu về việc không có gì có thể che giấu “suốt đời”: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (Lc 8:17). Trong những lời này, nhiều người cho rằng Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thành thật, không dối trá. Chúng ta có thể hiểu là như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh của trình thuật, câu này ám chỉ rằng sự hiểu biết về những “bí ẩn” của Nước Thiên Chúa [x. câu 10] không mang tính cách riêng tư hoặc chỉ dành riêng cho một số người được tuyển chọn. Sự hiểu biết này phải được chia sẻ cho mọi người. Nói cách cụ thể hơn, sự hiểu biết và niềm vui có Chúa không phải là điều chúng ta giữ riêng cho mình. Niềm vui có Chúa phải được chia sẻ cho mọi người. Điều này giả định rằng trước khi chia sẻ niềm vui có Chúa thì chúng ta phải “có Chúa” và cảm nghiệm được niềm vui có Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đã có được điều này chưa? Nhà truyền giáo vĩ đại nhất không phải là người giảng thuyết lừng danh, nhưng là người có khả năng cảm nghiệm được niềm vui đích thật khi có Chúa trong cuộc đời mình.
Bài Tin Mừng kết với lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho các môn đệ về cách thức họ lắng nghe: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất” (Lc 8:18). Nghe mà không hiểu lời, đặc biệt là sự hiểu biết bắt nguồn từ nỗ lực truyền tải lời Chúa cho người khác, dẫn đến việc hoàn toàn đánh mất việc lắng nghe. Nghe và hiểu phải đi với nhau. Nghe mà không hiểu thì cái mình nghe không có ý nghĩa gì. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại việc [thái độ] chúng ta lắng nghe lời Chúa. Nhiều khi chúng ta chỉ lắng nghe với đôi tai thể lý, còn con tim và tâm trí thì không lắng nghe. Để “được thêm” những gì chúng ta đã có qua việc lắng nghe lời Chúa từ trước đến giờ, chúng ta phải lắng nghe không chỉ với đôi tai thể lý, nhưng với cả trọn con tim và khối óc. Có như thế, chúng ta mới hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.