Khiêm nhường cầu xin
(1 V 11:4-13; Mc 7:24-30)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Giữ giao ước với Đức Chúa luôn là tiêu chuẩn để được hạnh phúc và mang lại sự trường tồn cho con cháu. Đó là điều chúng ta thấy trong suốt lịch sử Israel. Điều đáng buồn là chúng ta không giữ giao ước với Đức Chúa. Đây là điều chúng ta được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay về sự bất trung với giao ước của vua Salômôn: “Khi vua Salômôn về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thủy với Đức Chúa Thiên Chúa của vua, như lòng phụ vương Đavít nữa. Vua Salômôn đi theo nữ thần Áttôrét của dân Xiđôn, theo thần Mincôm ghê tởm của dân Ammon. Như thế, vua Salômôn làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, chứ không theo Đức Chúa trọn vẹn như phụ vương Đavít” (1 V 11:4-6). Niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất đã bị vua Salômôn chối bỏ. Chính sự bất trung của vua Salômôn đã làm Đức Chúa “nổi giận.” Hậu quả của sự bất trung của vua Salômôn mang lại hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, đó là sự chia rẽ: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi. Tuy nhiên, vì thân phụ ngươi, Ta sẽ không làm điều đó trong đời ngươi, nhưng sẽ giựt vương quốc khỏi tay con của ngươi. Hơn nữa, vì nể Đavít tôi tớ Ta, và vì Giêrusalem, thành đô Ta đã chọn, Ta sẽ không giựt lấy cả vương quốc, nhưng sẽ để lại cho con của ngươi một chi tộc” (1 V 11:11-13). Những lời này cho thấy, Đức Chúa dù “nổi giận” với Salômôn, Ngài vẫn giữ lời hứa của Ngài. Đây là tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa luôn dành cho con người. Mỗi người chúng ta cũng giống Salômôn, cũng nhiều lần để lòng mình xa Chúa. Nhưng Đức Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài, đó là luôn yêu chúng ta. Đáp lại tình yêu của Ngài, chúng ta cố gắng sống trọn vẹn với lời hứa của mình và đừng để lòng mình xa Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối tư tưởng trên qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Hy Lạp. Nếu chỉ đọc thoáng qua, chúng ta thấy nó có cấu trúc của một trình thuật nói về việc Chúa Giêsu chữa bệnh. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ đoạn Tin Mừng này, chúng ta nhận ra điểm tập trung nằm ở cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ “ngoại lai” này. Như chúng ta biết, cuộc đối thoại xảy ra trong vùng đất của dân ngoại. Trong câu trả lời trước thỉnh cầu của người phụ nữ chữa con mình, Chúa Giêsu có vẻ tỏ thái độ loại trừ những người không phải là người Do Thái khỏi danh sách những người được đón nhận ơn cứu độ mà Ngài mang đến. Đứng trước “câu nói có vẻ loại trừ” của Chúa Giêsu, người phụ nữ bình tĩnh trả lời bằng cung giọng ‘nhẹ nhàng lên án” cái nhìn loại trừ và chỉ ra rằng trong ý định của Thiên Chúa, những người ngoại giáo cũng có chỗ trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Câu trả lời của bà đưa chúng ta trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Điều mà bài đọc 1 trong sách Sáng Thế nhắm đến: Ngay từ ban đầu, người nam và nữ là những “trợ tá tương xứng” của nhau, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hoặc ngôn ngữ. Chi tiết này chỉ cho chúng ta thấy những người mà Tin Mừng Thánh Máccô, muốn nhắm đến, đó là những người không phải là người Do Thái. Đọc câu chuyện này, những thính giả của Thánh Máccô xem nó là chính câu chuyện của họ: Họ tìm thấy chỗ trong dân của Thiên Chúa. Còn mỗi người chúng ta thì sao: chúng ta đã tìm thấy chỗ của chính mình trong trái tim của Chúa và trong trái tim của nhau chưa?
Một chi tiết khác trong bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta có thể suy gẫm là sự việc người Do Thái thường coi những người dân ngoại là “chó.” Đây là một từ chứa đựng một sự xúc phạm nặng nề. Điều này cũng đúng ngay trong nền văn hoá Việt Nam của chúng ta. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng, Thánh Máccô sử dụng từ “chó con” để làm giảm đi tính xúc phạm của nó. Nhưng trong nghệ thuật của mình, khi sử dụng từ “chó con” để đặt vào miệng Chúa Giêsu: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” (Mc 7:27), Thánh Máccô muốn nói lên rằng: Chúa Giêsu không chỉ thử niềm tin của bà, nhưng còn mở ra một con đường bà tìm thấy ý nghĩa trong “lời nói có vẻ xúc phạm” của người khác. Và người phụ nữ hiểu được điều đó liền nắm bắt cơ hội này và thưa với Chúa Giêsu một cách đầy ý nghĩa rằng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ” (Mc 7:28). Bà dùng chính hình ảnh “chó con – trẻ nhỏ” để đáp lại hình ảnh “con cái – chó con” của Chúa Giêsu. Hình ảnh ăn những mảnh vụn dưới bàn được tìm thấy trong sách Thẩm Phán (1:7). Trong câu trả lời của mình, người phụ nữ Hy Lạp không từ chối việc ơn cứu độ dành cho người Do Thái (con cái), nhưng bà lên án việc loại bỏ dân ngoại (chó con) khỏi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Như vậy, trong câu nói này, bà khẳng định tính cách phổ quát của ơn cứu độ của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu không chỉ đem ơn cứu độ cho dân Israel, nhưng còn cho mọi người. Chúng ta rút ra được điều gì từ ý tưởng này? Những người có con tim không “loại trừ” người khác là những người có khả năng tìm thấy “ý nghĩa” trong cái “vô nghĩa” và nhất là tìm thấy “sự khôi hài của Thiên Chúa” trong “những xúc phạm của con người.”