Lm. Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
CẦU NGUYỆN ƠN THA THỨ
(Hc 48:1-14; Mt 6:7-15)
Tác giả của sách Huấn Ca được trích trong bài đọc 1 hôm nay ca ngợi Êlia, “vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48:1). Ông đã để lại một hình ảnh như thế nào? Sách Huấn Ca cho chúng ta biết: (1) ông là người có lòng nhiệt thành; (2) ông chỉ nói lời Thiên Chúa; (3) ông làm bao việc lạ lùng [phép lạ]; (4) ông bênh vực công lý cho những kẻ bần cùng trước các thế lực vua chúa; (5) ông có một tương quan mật thiết với Thiên Chúa; (6) ông cầu khẩn cho dân; (7) ông được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa (x. Hc 48:2-11). Vì là ngôn sứ trung thành của Đức Chúa, nên “đối với ông, chẳng có gì là quá sức, ngay cả khi ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ. Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng” (Hc 48:13-14). Êlia đã thuộc về Thiên Chúa khi còn sống cũng như khi đã được đưa về trời. Cuộc sống của ông hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Vì vậy, ông đã sống một đời sống thật ý nghĩa và để lại cho đời một gương sáng. Còn chúng ta thế nào? Chúng ta muốn để lại cho đời một cuộc sống như thế nào?
Cầu nguyện là một trong những yếu tố không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Người ta thường nói: không có một công thức cố định trong cầu nguyện hay đúng hơn, không có công thức đúng hoặc sai trong cầu nguyện, chỉ có thái độ đúng hoặc sai khi cầu nguyện mà thôi. Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dường như đưa ra cho các môn đệ một “công thức cố định” để cầu nguyện. Những lời “khuyến cáo” của Chúa Giêsu trước khi đề nghị với các môn đệ về lời Kinh Lạy Cha đáng để chúng ta suy gẫm: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin’” (Mt 6:7-8). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra những thái độ cần thiết khi cầu nguyện. Ngài muốn các môn đệ của Ngài (1) không lải nhải như dân ngoại hoặc đừng bắt chước họ và (2) hãy tin rằng Chúa Cha biết những điều gì chúng ta xin. Mỗi người được tạo dựng nên “cách độc nhất vô nhị.” Thiên Chúa yêu chúng ta cách cá vị và Ngài cũng muốn chúng ta đến với Ngài và yêu Ngài cách cá vị. Chúng ta thường có khuynh hướng so sánh mình với người khác. Hệ quả là chúng ta bắt chước và mong ước những gì người khác có mà mình không có. Chúng ta ít khi khám phá ra những gì chúng ta có mà người khác không có để tạ ơn Thiên Chúa và sử dụng những điều Ngài ban để làm vinh danh Ngài. Bí quyết trong cầu nguyện là “đừng nhìn chung quanh,” nhưng “hãy nhìn lên Chúa” và “nhìn vào trong con tim” của mình. Chỉ khi biết nhìn lên Chúa và nhìn vào trong con tim của mình khi cầu nguyện, chúng ta mới biết làm thế nào để nhìn và thay đổi môi trường và những người chung quanh.
Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dạy các môn đệ rằng cầu nguyện phải là một sự hiệp thông cá vị cách chân thành với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta phải ngắn gọn vì lời cầu nguyện mang lại lợi ích cho chúng ta chứ không phải cho Thiên Chúa, bởi vì Ngài biết tất cả những gì chúng ta cần. Nói cách cụ thể, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng: cầu nguyện là thức ăn của đức tin. Những lời dạy của Chúa Giêsu không nhằm mục đích xem thường việc thờ phượng công khai vì chính Ngài cũng tham dự các buổi thờ phượng này và chính Ngài xây dựng lời Kinh Lạy Cha trên những việc thờ phượng đó, dù Ngài cũng cầu nguyện cách cá nhân.
Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng lời Kinh Lạy Cha. Trong bối cảnh lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện, Kinh Lạy Cha được xem là ví dụ của một lời cầu nguyện ngắn, giống với 18 lời chúc tụng và Quaddish của phụng vụ người Do Thái cử hành trong hội đường. Chúa Giêsu thêm phần gọi Thiên Chúa là Cha, là một đặc tính trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và phần nói về tha thứ. Theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Mátthêu có thể đã thêm vào trong hình thức sớm nhất về lời kinh này được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (11:2-4). So sánh hai bản văn, chúng ta nhận ra những khác biệt sau: (1) Trong Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta đọc thấy: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh cha vinh hiển.” Thánh Mátthêu thêm vào: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”; (2) Tin Mừng Thánh Luca không có câu: “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; (3) Thánh Mátthêu thêm vào phần cuối câu “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Tóm lại, ba điểm mà Thánh Mátthêu thêm vào trong lời Kinh Lạy Cha của Chúa Giêsu là: (1) khẳng định Thiên Chúa là Cha chúng con và đang ngự trên trời; (2) xin cho ý Ngài được thể hiện dưới đất cũng như trên trời; và (3) xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Chúng ta thấy câu 1 (khẳng định về Thiên Chúa) chi phối hai câu sau. Điều này ngụ ý rằng lời cầu nguyện của chúng ta phải hàm chứa mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và hoa trái của mối tương quan này là thánh ý Ngài được thể hiện “dưới đất cũng như trên trời” và chúng ta được cứu khỏi mọi sự dữ [sự dữ nguy hiểm nhất chính là cái chết muôn đời].
Lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện được kết với những lời thật đáng để chúng ta suy gẫm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Chúa Giêsu kết với hai câu mệnh đề có điều kiện kèm theo hệ quả của nó: một mệnh đề tích cực [tha thứ cho người khác để được Thiên Chúa tha thứ]và một mệnh đề tiêu cực [không tha thứ cho người khác nên không được Thiên Chúa thứ tha]. Trong hai mệnh đề này, chúng ta đang sống mệnh đề nào: chúng ta đang tha thứ hay không tha thứ? Hãy chọn sống tha thứ ngay giây phút này để cảm nghiệm được tình yêu, niềm vui khi được Thiên Chúa thứ tha.