TÌNH YÊU HIỀN MẪU DƯỚI CHÂN THẬP TỰ
(Hr 5:7-9; Ga 19:25-27)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ sầu bi. Trong quá khứ, có hai lễ kính nhớ sự sầu bi của Mẹ Maria: Một lễ vào thế kỷ thứ 15 và một lễ vào thế kỷ thứ 17. Hai lễ này được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào thứ sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá và một lễ vào tháng 9. Những bản văn Kinh Thánh nói về sự sầu bi của Mẹ Maria là Lc 2:35 và Ga 19:26-27 [được trích đọc trong ngày hôm nay]. Bản văn của Thánh Luca thuật lại lời tiên báo của Simeon về thanh gươm sẽ đâm trái tim Mẹ; bản văn của Thánh Gioan nói về những lời Chúa Giêsu cho Mẹ Maria và người môn đệ Ngài yêu. Nhiều học giả trong Giáo Hội giải thích thanh gươm như là những sầu thương của Mẹ, đặc biệt là khi nhìn thấy con mình chết trên thập giá. Mỗi khi nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, chúng ta có thấy được “sầu thương” không? Chúng ta có khóc thương cho tội của mình và để tình yêu của Chúa hoàn toàn đổi mới chúng ta không?
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư gởi Tín Hữu Do Thái cho biết Chúa Giêsu cũng đã trải qua nhiều sầu thương trong cuộc sống dương gian của mình: “Thưa anh em, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9). Chính trong sự sầu thương của mình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để mỗi người chúng ta được cứu thoát khỏi sự chết. Cũng chính qua những sầu thương, đau khổ mà Chúa Giêsu đã học được sự vâng phục, hoàn toàn phó thác chính mình cho Thiên Chúa. Hơn hết, chính qua sự sầu thương, đau khổ của mình mà Ngài mang ơn cứu độ cho chúng ta. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng gặp nhiều sầu thương và đau khổ. Chúng ta có biết sử dụng những sầu thương và đau khổ để học được hoàn toàn vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa không?
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hình ảnh xảy ra dưới chân thập giá: “Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:25-27). Chúng ta chỉ hiểu rõ ý nghĩa đoạn Tin Mừng này khi đặt nó vào trong bối cảnh của toàn Tin Mừng Thánh Gioan. Trong Tin Mừng Nhất lãm, những người phụ nữ theo Chúa Giêsu đứng đằng xa, còn các môn đệ của Ngài thì bỏ trốn. Còn Thánh Gioan lại đưa ra hình ảnh những người phụ nữ theo Chúa Giêsu đứng dưới chân thập giá. Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Mẹ Maria xuất hiện hai lần: một lần tại tiệc cưới Cana, và lần thứ hai dưới chân thập giá. Điều này không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng mang ý nghĩa thần học sâu xa. Trong hai lần xuất hiện của Mẹ Maria, Thánh Gioan muốn trình bày cho chúng ta hình ảnh chân chính của một người môn đệ chúa Giêsu, đó là người theo Ngài khi vui tươi, hạnh phúc [như khi tham dự tiệc cưới] cũng như lúc buồn phiền, đau khổ [như khi đứng dưới chân thập giá]. Cuộc sống mỗi người chúng ta cũng có nhiều niềm vui và đau khổ. Mẹ Maria dạy chúng ta luôn ở bên cạnh, luôn trung thành với Chúa Giêsu trong mọi giây phút.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về dưới chân thập giá. Trong khi Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại một số lời và hành động của Chúa Giêsu xảy ra khi Ngài bị treo trên thập giá. Những lời và hành động này mang lại những phản ứng khác nhau từ những người “ở bên ngoài.” Tin Mừng Thánh Gioan tập trung vào Chúa Giêsu và những kẻ “thuộc về Ngài.” Họ không phải là những người bàng quan đứng từ xa để nhìn như những phụ nữ trong Mc 15:40-41. Theo Thánh Gioan, dưới chân thập giá một gia đình mới được thiết lập, được quy tụ. Điều này được trình bày qua những lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria và người môn đệ được Ngài yêu. Khi phó dâng Mẹ mình cho người môn đệ Ngài yêu, Chúa Giêsu chỉ ra cho biết sứ mệnh của Ngài đã hoàn tất trong tình yêu và những điều chuẩn bị cần thiết cho tương lai của những kẻ “thuộc về Ngài.” Sứ mệnh của Ngài là quy tụ một gia đình mới không theo máu mủ huyết thống. Điều này xảy ra dưới chân thập giá! Mỗi lần ngắm nhìn thập giá, chúng ta được mời gọi nhìn người khác với ánh mắt yêu thương, vì họ chính là anh chị em mình. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao chúng ta cho nhau để yêu thương và tha thứ. Đừng để cái chết của Chúa Giêsu trở nên vô hiệu trong cuộc sống chúng ta.