HÃY ĐỂ CHO NƯỚC THIÊN CHÚA LỚN LÊN TRONG BẠN
(Dt 10:32-39; Mc 4:26-34)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Người ta thường nói: “Tình đầu khó quên.” Chúng ta thường bắt đầu công việc với lòng nhiệt thành, sáng kiến và hy vọng. Chính điều này làm cho chúng ta sẵn sàng đối đầu với tất cả những khó khăn đang chờ đợi phía trước. Nhưng thời gian trôi qua, hết khó khăn này đến khó khăn khác ập đến làm chúng ta chùn bước và mất đi sự nhiệt tình và tình yêu thuở ban đầu. Đây là điều tác giả thư gởi Do Thái nói đến trong bài đọc 1 hôm nay để nhắc nhở chúng ta về tình yêu ban đầu mà chúng ta có khi chúng ta thi hành ý Thiên Chúa [hay khi chúng ta tuyên khấn chọn Chúa làm gia nghiệp duy nhất đời mình]: “Thưa anh em, xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập” (Dt 10:32). “Nhớ lại tình yêu thuở ban đầu mình dành cho Chúa” là chìa khoá của sự canh tân và trung thành cho những ai theo Chúa Giêsu trên con đường hoàn thiện.
Theo tác giả thư Do Thái, khi chúng ta nhớ lại tình yêu và lòng nhiệt thành ban đầu, niềm tin của chúng ta cũng sẽ được củng cố: “Vậy, anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em; lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao” (Dt 10:35). Để sống trọn vẹn việc thi hành ý Chúa, tác giả thư Do Thái muốn chúng ta phải có một đức tính cần thiết đó là: kiên nhẫn vì “chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10:39). Trên con đường hoàn thiện và tìm kiếm thánh ý Chúa, người thiếu kiên nhẫn hay không có đức kiên nhẫn sẽ không bao giờ có cái nhìn bao dung và tha thứ. Họ luôn sống trong sự dằn vặt của tội lỗi và yếu đuối của mình và của người khác, để rồi cuộc đời của họ là một chuỗi ngày của giận dữ, tự kiêu, kết án và cô độc. Đừng để con tim của mình mất đi tình yêu thuở ban đầu vì thiếu kiên nhẫn!
Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn và một phần tóm kết. Dụ ngôn đầu tiên là dụ ngôn về hạt giống tăng trưởng. Cũng giống như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này nhấn mạnh đến sự đối nghịch giữa sự nhỏ nhoi của hạt giống và sự vĩ đại to lớn của mùa gặt. Điểm tập trung của dụ ngôn là Nước Thiên Chúa trong thời cánh chung, nhưng nước này là một thực tại hiện diện có thể được mô tả trong hình ảnh của hạt giống và sự tăng trưởng của nó. Thiên Chúa sẽ hướng dẫn sự tăng trưởng của Nước Ngài đến sự hoàn thiện trong tương lai. Nước Thiên Chúa hiển nhiên sẽ đến và sẽ đến một cách kín ẩn như mùa gặt sẽ theo sau việc gieo giống. Sứ điệp chính của dụ ngôn này là mời gọi chúng ta không nên thất vọng hay bỏ cuộc hoặc trở nên thiếu kiên nhẫn trong khi chờ đợi Nước Thiên Chúa đến. Chúng ta nhận ra điều này trong hình ảnh của hạt giống âm thầm mọc lên: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa” (4:26-28). Khi suy gẫm về tiến trình hạt giống mọc lên của hạt giống chúng ta nhận ra rằng nó tự mọc lên mà không cần người vãi giống biết đến và phân tích về tiến trình mọc lên của nó. Việc mọc lên của nó cũng không làm cho người gieo giống trở nên lo lắng vì ông biết hạt giống ông gieo sẽ tự nó mọc lên và tự động sinh hoa kết quả. Chi tiết này mời gọi chúng ta biết phó thác và tin tưởng vào Chúa. Nhiều khi chúng ta lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện trong cuộc sống đến độ Chúa không có chỗ trong cuộc đời hoặc trong sự lo lắng của chúng ta. Chúng ta cố gắng hoàn thành những gì mình có thể theo sức của mình. Phần còn lại hãy phó dâng cho Chúa. Ngài sẽ chăm sóc và cho sinh nhiều hoa trái.
Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn về hạt cải. Dụ ngôn này ám chỉ việc Nước Trời được so sánh với một hạt giống thật nhỏ bé, nhưng sẽ lớn lên thành một cây to lớn: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (4:30-32). Cũng như dụ ngôn hạt giống tăng trưởng, dụ ngôn này cho chúng ta biết Nước Trời sẽ đến một cách không thể tránh được. Vì vậy, chúng ta không nên thất vọng hoặc mất kiên nhẫn. Lại một lần nữa, dụ ngôn cho thấy Nước Trời là một thực tại hiện diện có thể được mô tả trong hình ảnh của hạt giống và chính Thiên Chúa sẽ làm cho nó tăng trưởng. Điểm đáng để chúng ta suy gẫm trong dụ ngôn này là sự nhỏ bé của hạt giống và sự vĩ đại của những gì nó mang lại. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng khi chúng ta đặt vào trong tay Chúa một cái gì đó thật nhỏ bé, Ngài sẽ làm cho nó trở nên vĩ đại để mọi người có thể nếm được sự dịu ngọt của nó. Thật vậy, Chúa sẽ biến những điều nhỏ bé chúng ta làm trong việc xây dựng Nước Trời thành nhưng điều vĩ đại cho anh chị em của chúng ta.
Bài Tin Mừng kết với việc trình bày cho chúng ta rằng Chúa Giêsu còn dùng nhiều dụ ngôn khác tương tự như những dụ ngôn Ngài đã nói để giảng dạy dân chúng: “Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết” (4:33-34). Những lời này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là một Người Thầy vĩ đại. Ngài sử dụng tất cả những gì gần gũi với thính giả của mình để chuyền tải sứ điệp Nước Trời. Điều này mời gọi chúng ta biết sử dụng những thực tại hằng ngày để nhận ra sứ điệp Tin Mừng để rồi qua đó chúng ta có khả năng sử dụng những thực tại cụ thể đó để nói cho anh chị em mình biết về mầu nhiệm Nước Trời.