SỐNG YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA YÊU
(Cv 15:22-31; Ga 15:12-17)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Hôm nay, bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta quyết định của các Tông Đồ và kỳ mục về vấn đề cắt bì cho dân ngoại: những người dân ngoại không cần phải cắt bì để được cứu độ. Quyết định này ám chỉ một sự “cắt đứt” với “giao ước” cũ được ký kết với Abraham. Những người được chọn làm dân riêng và dân tộc được tuyển chọn không còn là chỉ những người được cắt bì, nhưng là tất cả những người lắng nghe, đón nhận lời Chúa và được Chúa Thánh Thần thánh hoá. Những người được sai đi truyền tải quyết định này là những người có uy tín trong Hội Thánh. Trong bản quyết định, chúng ta thấy hai chi tiết đáng để suy gẫm sau:
Thứ nhất, sự xáo trộn và hoang mang của cộng đoàn bị gây ra bởi những người “không được uỷ nhiệm” (x. Cv 15:24) cho việc giảng dạy. Điều này đôi khi cũng xảy ra trong đời sống cộng đoàn [hay giáo xứ]. Có nhiều người “không làm việc gì mà việc gì cũng xen vào.” Nhưng “những việc họ xen vào” là truyền bá sự chia rẽ và nghi ngờ giữa các thành viên trong cộng đoàn. Điều này nhắc nhở chúng ta về khuynh hướng cho mình hiểu biết hơn người khác để xem những lời dạy của người khác là không đúng. Hệ quả là lôi kéo người khác theo mình và gây ra sự chia rẽ và hoang mang trong cộng đoàn. Khi làm thế, chúng ta đã tự giam hãm mình trong cái hiểu biết hạn hẹp và không mở lòng ra để đón nhận những điều mới mẻ đến từ Chúa Thánh Thần.
Thứ hai, những người quyết định không chỉ là các Tông Đồ và kỳ mục, nhưng quan trong nhất là Chúa Thánh Thần (x. Cv 15:28). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại những quyết định của mình có được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần không, hay chỉ là kết qủa của ý riêng. Những ai đang có trách nhiệm trên người khác phải lưu ý điểm này, tức là phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho sự khôn ngoan hầu có những quyết định xứng hợp và đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại niềm vui cho người khác. Thật vậy, sau khi nghe quyết định, mọi người “vui mừng vì lời khích lệ đó” (Cv 15:31). Tin Mừng luôn mang lại niềm vui cho con người, trái ngược với những gánh nặng đặt lên vai người khác mà chính mình không nhúng tay vào nhấc thử. Khi sống theo Tin Mừng, chúng ta sẽ có được niềm vui và những ai sống và gặp gỡ chúng ta cũng được vui hưởng niềm vui đó.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về điều răn yêu thương. Chúng ta chỉ hiểu tầm quan trọng của điều răn này khi đặt nó trong bối cảnh của nó, đó là: “Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 15:12). Có thể nói, đây chính là lời “trăn trối” của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài. Nếu chúng ta lưu ý, chúng ta sẽ thấy cấu trúc bài Tin Mừng là mở và kết giống nhau: điều răn yêu thương. Đây là lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc mà chúng ta đã biết. Vì mở đầu [“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12)] và kết thúc [“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15:17)] giống nhau, nên đây là đề tài chính của trình thuật Tin Mừng. Những gì ở giữa chỉ là những diễn giải cho đề tài chính mà thôi. Để sống giới răn yêu thương, người môn đệ phải làm những gì?
Thứ nhất, người môn đệ phải yêu nhau với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu họ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Trong những lời này, Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ yêu với tình yêu của Ngài, với cách thức Ngài muốn chứ không phải cách thức họ muốn. Tình yêu của Ngài là một tình yêu tự hạ, một tình yêu trao ban trọn vẹn không giữ lại gì cho chính mình, ngay cả mạng sống. Theo khuynh hướng tự nhiên, chúng ta thường yêu theo cách thức mình muốn, đó là mong muốn người khác hy sinh cho mình hơn là mình hy sinh cho người khác. Người môn đệ sống giới răn yêu thương bằng việc quên đi chính mình hầu mưu ích cho những người khác.
Thứ hai, người môn đệ phải ý thức rằng họ là bạn hữu của Chúa Giêsu, người được Chúa Giêsu chết cho: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:14-15). Không có niềm hạnh phúc nào lớn cho bằng được là bạn hữu của Chúa Giêsu. Nhưng điều kiện để trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu là có một tình yêu sâu thẳm nhất như Ngài. Người bạn hữu của Chúa Giêsu là người chất chứa trong con tim tình yêu của Chúa Giêsu, trong tâm trí mình những kỳ công Chúa đã thực hiện và trong cuộc sống của mình lối sống hoàn toàn liên kết mật thiết với Chúa Cha. Chúng ta hãy luôn ý thức rằng mình là những bạn hữu của Chúa Giêsu, là những người luôn sống yêu thương, trong con tim không có ghen ghét và hận thù cay đắng với anh chị em mình.
Thứ ba, người môn đệ phải khiêm nhường ý thức mình được Chúa Giêsu chọn và sai đi: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15:16). Trong tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu, Ngài luôn là người đi bước trước: Ngài chọn chúng ta khi chúng ta không đáng là gì; Ngài yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta chống lại Ngài; Ngài đến với chúng ta khi chúng ta đau khổ và buồn sầu; Ngài bên cạnh chúng ta khi chúng ta vì vui mừng hạnh phúc với những gì thuộc thế gian mà quên Ngài; Ngài luôn ở đó với chúng ta. Ngài chọn chúng ta vì Ngài yêu chúng ta; Ngài chọn chúng ta vì Ngài biết chúng ta cũng muốn trở nên như Ngài, sống đời sống yêu thương, tha thứ và trao ban. Hãy bắt đầu với Chúa Giêsu hôm nay nếu chúng ta chưa ý thức được mình được chọn mỗi phút giây và được sai đi để yêu thương anh chị em mình.