ĐÓN NHẬN NGƯỜI KHÁC VỚI TÌNH YÊU DÀNH CHO CHÚA GIÊSU
(Cv 25:13b-21; Ga 21:15-19)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Trong bài đọc 1 hôm nay, ông Phéttô trình bày với vua Ácrippa về “vụ án” Thánh Phaolô. Nếu đọc “vụ án” này cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy nó giống với “vụ án” của Chúa Giêsu được xử bởi Philatô. Cả hai vụ án có những yếu tố tương đồng như sau: (1) bị bắt; (2) bị điệu ra toà; (3) bị tố cáo; (4) không tìm ra lý do để buộc tội. Điểm khác biệt giữa hai vụ án là Chúa Giêsu bị Philatô kết án tử, còn Thánh Phaolô thì không bị kết án, nhưng “được xử lại” ở Giêrusalem. Như chúng ta biết, Thánh Phaolô là công dân Rôma, nên luật pháp của người Do Thái không thể kết án ngài. Nhờ chi tiết này, hành trình của Thánh Phaolô chuyển sang một trang mới, đó là hành trình rao giảng ở Rôma. Từ câu chuyện này, chúng ta rút ra được điểm sau: Nhìn từ khía cạnh con người, việc Thánh Phaolô bị bắt bớ, tố cáo và xét xử là một điều không may mắn. Đây là một điều không ai muốn xảy ra cho mình. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh Thiên Chúa, đây lại là một “sự kiện” trong kế hoạch của Chúa dành cho Thánh Phaolô để mang Tin Mừng đến “trung tâm của thế giới,” đến với những bậc vua chúa. Điều này giúp chúng ta an lòng và can đảm để đón nhận những điều trái ý và đau khổ với niềm xác tín rằng: Đấng biến thập giá thành phương tiện cứu độ sẽ biến những đau khổ của chúng ta thành niềm vui.
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay được trích trong phần những lời của Chúa Giêsu về Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến (x. Ga 21:15-23). Đây là phần cuối của Tin Mừng Thánh Gioan. Trong bữa tiệc ly, câu hỏi của Phêrô về người nộp Chúa Giêsu được đặt ra qua người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến (x. Ga 13:23-25). Trong khi Phêrô chối Chúa Giêsu, người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến hiện diện dưới chân thập giá để nhận và được nhận bởi mẹ của Chúa Giêsu (x. Ga 19:26-27).
Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về Phêrô như một người mục tử và một người tử đạo. Vị trí mục tử của Phêrô được thuật lại trong cuộc đối thoại giữa thánh nhân với Chúa Giêsu. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này để thấy rõ hơn vẻ đẹp, sự gần gũi và sinh động của cuộc đối thoại (x. Ga 21:15-17):
Chúa Giêsu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”
Phêrô: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”
Chúa Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”
Chúa Giêsu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”
Phêrô: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”
Chúa Giêsu: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”
Chúa Giêsu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có thương mến Thầy không?”
Phêrô [buồn]: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.”
Chúa Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
Chúng ta thấy cuộc đối thoại này có cùng một kiễu mẫu. Những lời của Chúa Giêsu và Phêrô được lặp lại, nhưng với những cảm xúc khác nhau, nhất là về phía Phêrô. Trong lần hỏi đầu tiên, Chúa Giêsu thêm vào câu hỏi của mình một mệnh đề so sánh, đó là Phêrô có yêu mến Ngài “nhiều hơn” các môn đệ khác không. Chúng ta không tìm thấy điều này trong lần hỏi thứ hai và thứ ba. Theo các Giáo Phụ và học giả Kinh Thánh, ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô có yêu mến Ngài không là để đảo ngược [hay khẳng định lại tình yêu]ba lần Phêrô đã chối Ngài (x. Ga 18:17,25-26). Trong Tin Mừng Thánh Luca (22:31-34), chúng ta tìm thấy lời tiên báo của Chúa Giêsu về việc Phêrô “sẽ trở lại và củng cố” anh em mình liên kết chặt chẽ với lời tiên báo Phêrô sẽ chối Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Sự thay đổi này thường được nối kết với vị trí của Phêrô như là người đầu tiên được nhìn thấy Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại (x. 1 Cr 15:4; Lc 24:34). Truyền thống này sẽ không bao giờ được kể lại trừ khi câu chuyện hiện ra trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 21: 1-14) có nguồn gốc trong câu chuyện Chúa Giêsu chỉ hiện ra với Phêrô. Tin Mừng liên kết việc yêu Chúa Giêsu với tuân giữ giới răn của Ngài (x. Ga 14:15; 15:10). Ở đây, giới răn yêu thương thiết lập Phêrô như một người “chăm sóc” và “chăn dắt” chiên của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, truyền thống này dường như giả định một sự phát triển về chức vụ “coi sóc” Giáo Hội. Chăn dắt đàn chiên thường được sử dụng cho các kỳ mục và trưởng lão trong thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô (x. 1 Pr 5:2-4) và Công Vụ Tông Đồ (20:28). Tin Mừng đã nhấn mạnh đến mối quan tâm của Chúa Giêsu cho đàn chiên của mình, đàn chiên mà đã được Thiên Chúa trao cho Ngài (x. Ga 10:3-4,14,27-30; 17:6:9-12). Phêrô bây giờ được Chúa Giêsu trao cho những mối quan tâm đó. Chúa Giêsu cũng trao cho chúng ta những mối quan tâm của Ngài dành cho những người Ngài trao cho chúng ta chăm sóc. Chúng ta chỉ hoàn thành những mối bận tâm này chỉ khi chúng ta đem giới răn yêu thương ra thực hành. Ở đâu không có yêu thương, ở đó sẽ không có sự quan tâm đến nhau.
Vai trò mục tử luôn đi đôi với việc hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Đây chính là điều Chúa Giêsu chỉ ra cho Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: ‘Hãy theo Thầy’” (Ga 21:18-19). Trong những lời này, Chúa Giêsu công bố rằng Phêrô sẽ hoàn thành lời hứa trước của Ngài (x. Ga 13:37-38), đó là phải theo Ngài ngay cả trong cái chết. Thật vậy, Chúa Giêsu muốn Phêrô “theo” Ngài trong việc chết đi cho đàn chiên của mình như người mục tử nhân lành. Trong 1 Clement, chúng ta tìm thấy chứng thư trình bày Phêrô chết tử đạo trong thời của Nêrô. Chúa Giêsu đã sử dụng một câu ngạn ngữ [“Lúc anh còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi anh đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”] để nói về cái chết của Phêrô. Trong câu 19, người kể giải thích câu ngạn ngữ đó như ám chỉ đến cái chết của Phêrô. Tuy nhiên, điều không rõ ở đây là việc “dang tay ra” đơn giản ám chỉ đến hành động bị trói lại như một tù nhân hoặc là người kể đã có trong tâm trí truyền thống về việc Phêrô bị đóng đinh. Truyền thống này không được chứng thực cho đến thời của Tertullian (x. Scorpiace 15:3).