ĐƯỢC THIÊN CHÚA THÁNH HOÁ VÀ SAI ĐI VÀO TRONG THẾ GIAN
(Cv 20:28-38; Ga 17:11b-19)
Lm. An-tôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về những lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô. Các kỳ mục là những người được các tông đồ đặt lên để coi sóc các cộng đoàn mà các ngài thiết lập. Đây cũng có thể được xem là những lời “chia tay” của Thánh Phaolô: “Nói thế rồi, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu” (Cv 20:36-38). Từ những lời của Thánh Nhân, chúng ta [nhất là những ai đang trong vị trí hướng dẫn và coi sóc người khác] có thể rút ra những điều sau:
Thứ nhất, hết lòng chăm sóc cho chính mình và những người Chúa gởi đến. Mỗi người trong chúng ta đều có giá trị tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa, chúng ta được cứu chuộc bởi giá máu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20:28). Nếu Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra để chuộc lại chúng ta, làm sao chúng ta có thể nhìn người khác với một cái nhìn không thiện cảm hoặc không thương mến được. Những ai không nhận ra nhân phẩm cao quý của người khác, sẽ khó để chấp nhận và tôn trọng nhân phẩm của mình. Hãy luôn nhớ rằng: Chúa đã đổ máu cho chúng ta, đừng làm cho máu Chúa Giêsu ra vô ích khi sống một đời sống không đúng với ơn gọi và nhân phẩm của mình.
Thứ hai, phải luôn tỉnh thức vì nhiều nguy hiểm đang rình rập, nhất là những nguy hiểm đến từ bên trong cộng đoàn, lôi kéo chúng ta vào con đường sai lạc: “Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng” (Cv 20:29-30). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ ra rằng: những sói dữ không phải là những người xa lạ, nhưng là những người “giữa hàng ngũ anh em.” Nếu kẻ thù là những người bên ngoài, chúng ta có thể dễ dàng đối phó; nhưng khi kẻ thù đến từ bên trong, chúng ta sẽ dễ dàng bị đánh bại. Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh thức [nhất là những người phục vụ quyền bính], để nhận ra những điều gây chia rẽ giữa chúng ta và tìm cách chống cự.
Thứ ba, làm gương sáng cho người khác qua đời sống thường ngày của mình: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:33-35). Người ta thường nói, “hành động nói lớn hơn lời,” hay “gương sáng dạy tốt hơn là lời nói.” Thánh Phaolô đã nêu gương sáng cho các tín hữu Êphêsô bằng sự quảng đại chia sẻ những gì ngài làm ra từ công việc thường ngày của mình. Ngài chỉ cho chúng ta một định luật sống: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” Người cho là người “giàu và dư thừa” còn người nhận là người “nghèo và thiếu thốn.” Tuy nhiên, ở đây chúng ta không chỉ nói đến của cải vật chất, chúng ta còn nói đến những món quà thiêng liêng và nhất là con tim biết yêu mà Chúa đã ban cho chúng ta. Có câu nói trong đời rằng: không ai nghèo đến độ không có gì để cho, và cũng không ai giàu đến nỗi không cần đón nhận gì. Dù có nghèo đến đâu, chúng ta cũng có tình yêu, sự cảm thông, sự tha thứ, sự tế nhị, sự tốt lành, sự hiền dịu và nhiều phẩm chất [không mất tiền để mua] khác để trao ban cho người khác. Hãy trao ban và bạn sẽ nhận lại điều bạn đã trao ban!
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Đây là phần tiếp theo của lời cầu nguyện nói về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ vào trong thế gian (x. Ga 17:6-19). Trình thuật hôm nay bắt đầu với danh xưng của Thiên Chúa: “Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh’” (Ga 17:11b-12). Danh xưng “Cha chí thánh” là lối diễn ta không thường xảy ra trong Tin Mừng Gioan. Danh xưng này có thể là lối diễn tả của ngôn từ phụng vụ (x. Did. 10:2). Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ trong danh Chúa Cha vì cho đến bây giờ Ngài đã có thể “giữ các môn đệ” trong “danh” Thiên Chúa khi Ngài còn ở với họ. Tuy nhiên, những lời trên đề cập đến một người, Giuđa Ítcariốt, phải hư mất (x. Ga 6:70; 13:2,27) như lời Kinh Thánh. Nhưng điều đáng để chúng ta suy gẫm trong những lời trên là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho chúng ta được nên một như Ngài với Chúa Cha. Lời cầu nguyện này được vang vọng mỗi ngày qua bao nhiêu thế kỷ, nhưng chúng ta vẫn sống trong sự chia rẽ. Trong đời sống gia đình hay cộng đoàn dòng tu, chúng ta vẫn chưa sống một lòng một ý. Chúng ta vẫn làm cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trở nên vô hiệu vì tính ích kỷ, ghen ghét, hận thù, không tha thứ của chúng ta. Chúng ta chỉ nên một khi chúng ta biết làm cho mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con biến thành xương thành thịt của mình.
Tiếp đến, Chúa Giêsu nói về thực tại bị chống đối mà các môn đệ phải đối diện khi sống trong thế gian: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17:13-16). Sau khi nói đến niềm vui mà những lời về sự ra đi của Chúa Giêsu mang đến cho các môn đệ (x. Ga 15:11; 16:20-22,24), trình thuật trở lại với nền tảng của những chống đối mà các môn đệ sẽ cảm nghiệm trong thế gian. Điều đáng lưu ý ở đây là lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng các môn đệ sống trong thế gian, dù bị chống đối nhưng họ có “lời của Chúa Cha.” Điều này ám chỉ rằng các môn đệ từ nay có “lời của Thiên Chúa” đồng hành với mình chứ không phải “lời của thế gian,” nên họ không thuộc về thế gian (x. Ga 15:18-25). Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần, vì không như Ngài, Đấng không thể bị đụng đến bởi “quyền lực của thế gian” (x. Ga 12:31; 14:30; 16:33), các môn đệ sẽ bị quyền lực thế gian tấn công. Mặc dù các môn đệ không thuộc về thế gian, bởi vì họ đã đón nhận Chúa Giêsu, họ vẫn phải ở lại trong thế gian và như thế ít là họ cũng sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thế gian. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ sống của mình. Chúng ta luôn có lời của Thiên Chúa với mình. Nhưng nhiều lần chúng ta đã không nói lời của Ngài mà dùng lời thế gian để nói với nhau nên làm tổn thương nhau. Hơn nữa, nhiều lần chúng ta cũng không ý thức rằng dù sống trong thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian mà thuộc về Thiên Chúa, nên chúng ta đã để cho mình bị ảnh hưởng bởi lối sống của thế gian. Hãy luôn sống với thái độ khiêm nhường và cần đến Chúa trợ giúp trong từng giây phút, vì chúng ta dễ dàng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về thế gian.
Bài Tin Mừng kết thúc với lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Ngài xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:17-19). Những lời này chính là đỉnh cao của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vì qua những lời này Chúa Giêsu sai các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Ngài trong thế gian. Hình ảnh thánh hiến có một cung điệu mạnh mẽ trong truyền thống nghi lễ (x. Xh 28:41; 40:13; Lv 8:30) và hy lễ (Xh 13:2; Đnl 15:19). Lối giải thích mang tính nghi lễ về cái chết của Chúa Giêsu như trong thư gởi tín hữu Do Thái gán quyền năng thánh hiến [thánh hoá] cho máu của Chúa Giêsu (x. Dt 2:11; 10:10,14,29). Trong Ga 10:36, chúng ta đọc thấy Chúa Cha đã thánh hiến và sai Chúa Con vào trong thế gian. Sứ mệnh của Chúa Con là làm chứng cho những gì Ngài đã thấy và nghe từ Chúa Cha (Ga 8:26; 3:32). Bây giờ, các môn đệ đã đón nhận những lời Chúa Giêsu nói (x. Ga 17:6,14; 15:3 nói đến lời của Chúa Giêsu ‘tẩy sạch’ các môn đệ), họ được sai đi vào trong thế gian để làm chứng cho lời của Chúa Giêsu. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được sai vào trong thế gian để làm chứng cho lời Chúa Giêsu. Chúng ta đã được thánh hiến trong sự thật. Hơn nữa, chúng ta cũng được thánh hiến bởi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúng ta phải sống thật, sống đúng với nhân phẩm của người môn đệ Chúa Giêsu trong thế gian.