THI HÀNH Ý CHÚA QUA HÀNH ĐỘNG
(Xp 3:1-2.9-13; Mt 21:28-32)
Ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc 1 nói về sự khốn cùng xảy ra cho những thành không tuân phục ý Chúa: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy, không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình” (Xp 3:1-2). Nhưng Đức Chúa không bỏ rơi mà sẽ thanh tẩy muôn dân để họ hợp lời ca vang Đức Chúa: “Bấy giờ, Ta sẽ làm cho môi miệng chư dân nên tinh sạch để tất cả đều kêu cầu danh Đức Chúa và kề vai sát cánh phụng sự Người. Từ bên kia sông ngòi xứ Cút, những kẻ tôn thờ Ta, những kẻ đã bị Ta phân tán, sẽ mang lễ vật đến kính dâng Ta” (Xp 3:9-10). Hình ảnh này được phản chiếu trong cuộc đời chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng chạy theo những đam mê tội lỗi bỏ quên đường lối của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi để thanh tẩy chúng ta, để làm cho chúng ta thuộc trọn về Ngài hầu phụng sự Ngài với tâm hồn thanh sạch. Liệu chúng ta có để cho Chúa thanh luyện chúng ta không hay mãi sống trong lối sống quen thuộc của mình?
Bên cạnh sứ điệp yêu thương, an ủi, Ngôn sứ Xôphônia nói về những người “còn sót lại” trong con cái Israel. Từ họ, Ngài sẽ tỏ vương quyền của Ngài cho muôn dân: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ” (Xp 3:12-13). Những lời này chuyền tải sứ điệp hy vọng về sự phục hưng của Israel. Chính Đức Chúa sẽ phục hưng Israel từ một nhóm dân nghèo hèn và bé nhỏ. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của con người. Đức Chúa luôn dùng những gì là nhỏ bé đơn sơ nhất để làm nên những kỳ công tuyệt diệu. Nhìn lại chính mình, mỗi người chúng ta cũng chỉ là những tạp vật bé nhỏ đơn sơ trước mặt Thiên Chúa. Điều đáng suy gẫm là chúng ta có để Thiên Chúa chiếm lấy và thực hiện những kỳ công của Ngài trên cuộc đời chúng ta không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn về hai người con để giảng dạy cho các thượng tế và kỳ mục trong dân về việc thi hành thánh ý Thiên Chúa. Đây là dụ ngôn đầu tiên trong ba dụ ngôn phán xét của Chúa Giêsu [dụ ngôn hai người con, dụ ngôn vườn nho và tá điền, dụ ngôn tiệc cưới], là sản phẩm biên soạn của thánh sử. Cả ba dụ ngôn đều có chung một thính giả, đó là các thượng tế và kỳ mục. Dụ ngôn hôm nay công bố lỗi lầm của họ. Thánh Mátthêu sử dụng hình ảnh truyền thống trong Kinh Thánh về hai anh em để truyền tải sứ điệp của mình. Như chúng ta biết, trong hai người con, một người được đón nhận và một người bị loại ra [Cain-Abel, Esau-Giacóp, v.v.). Hình ảnh vườn nho trong bài Tin Mừng tuần trước được sử dụng. Tuy nhiên, những người được mời gọi vào làm trong vườn nho không phải là những người bên ngoài được thuê vào làm để nhận tiền công, nhưng là con cái trong nhà. Đề tài chuyển từ thái độ của ông chủ sang thái độ của những người được mời gọi vào làm trong vườn nho. Thái độ quan trọng duy nhất là vâng phục thi hành ý muốn của chủ vườn nho. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hình ảnh hai người con: Hai người con là ai? Sự phân biệt ở đây không phải là giữa người Do Thái và dân ngoại, nhưng giữa hai loại người Do Thái, những người lãnh đạo không có đức tin và những người bị loại trừ ra ngoài lề xã hội nhưng đáp lại sứ điệp của Chúa Giêsu với lòng tin (câu 31), giữa dân Israel chân thật và giả dối. Tuy nhiên, nhìn từ bối cảnh Tin Mừng, những người ngoại giáo trở lại cũng được bao gồm trong những tội nhân đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. Trong hình ảnh hai người con [hai loại người Do Thái], chúng ta thuộc loại nào? Và Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
Người con thứ nhất: “Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi” (Mt 21:28-29). Nơi người con thứ nhất, chúng ta thấy có sự biến đổi nội tâm hay đúng hơn là sám hối sau khi nhận ra mình đã làm người cha của mình buồn với sự bất tuân. Đối với Thánh Mátthêu, trung thành với đức tin luôn luôn là thử thách cuối cùng. Hình ảnh người con thứ nhất dạy chúng ta đừng vội xét đoán anh chị em mình. Có thể lúc này họ sống thế này hay hành động như thế kia vì họ đang trải qua những khó khăn mà chúng ta không biết. Mọi sự phải để đến cuối cùng mới biết, nên đừng vội xét đoán người khác dựa trên vẻ bề ngoài.
Người con thứ hai: “Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi” (Mt 21:30). Người con thứ hai hoàn toàn ngược với người con thứ nhất, bề ngoài hoàn toàn tỏ ra vâng phục người cha, nhưng bên trong lại không có sự biến đổi, không có sự hoán cải. Nói cách khác, người con thứ hai đặt vẻ bề ngoài quan trọng hơn là sự vâng phục bên trong. Hình ảnh người con thứ hai khuyến cáo chúng ta về lối sống giả hình của mình. Nhiều lần, chúng ta cũng tỏ thái độ “bằng mặt chứ không bằng lòng” với anh chị em mình. Đáng buồn hơn là nhiều lần chúng ta cũng chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài trong đời sống tương quan với Chúa, chứ không có sự biến đổi bên trong nào.
Nơi hình ảnh hai người con, vấn đề được đặt ra là: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21:31). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy rằng thi hành ý muốn của người cha [hay của Thiên Chúa]là điều quan trọng nhất và điều này hệ tại ở sự biến đổi nội tâm hay thái độ sám hối. Các kinh sư và kỳ mục cho biết người con thứ nhất là người thi hành ý muốn của người cha – là người phạm lỗi, nhận ra lỗi phạm của mình, biến đổi [sám hối] và làm theo điều người cha mời gọi. Chi tiết này chỉ rõ sự thánh thiện hay tiêu chuẩn để biết một người thi hành ý Thiên Chúa là nhận ra lỗi phạm của mình, sám hối và thi hành điều Thiên Chúa mời gọi chứ không hệ tại “sự vâng phục” trên môi trên miệng, hay vẻ dễ dạy chỉ được diễn tả bên ngoài.
Bài Tin Mừng kết thúc với bài học được rút ra sau: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21:31-32). Như chúng ta biết, những người thu thuế và những người gái điếm là phần tử những người Do Thái, nhưng họ bị xem là những người vô tri và tội lỗi. Sự đối nghịch đầy kinh ngạc ở đây là những người bị xem là tội lỗi lại là những người vào Nước Trời trước những người xem mình là công chính. Đây chính là trọng tâm của Tin Mừng: Chúa Giêsu đến để kêu gọi những người tội lỗi, biết mở lòng trước sứ điệp Tin Mừng, hơn là những người cho mình là công chính không tỏ lòng sám hối. Cũng nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng xem mình là những người công chính hơn anh chị em khác. Chúng ta cho rằng người khác mới cần sám hối chứ không phải chúng ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết sống khiêm nhường và không xét đoán anh chị em mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB