Emma
Khi người dân Việt Nam đang trong những ngày nghỉ nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, thì người Công giáo bước vào Tuần Thánh, khởi đầu bằng lễ Lá. Chúng ta thường háo hức chờ đợi những dịp nghỉ lễ, những ngày hội, những tuần lễ hoa Đà Lạt, tuần lễ trái cây, tuần thi pháo hoa, …. Thế còn Tuần Thánh được chúng ta chào đón với tâm trạng nào? Tuần Thánh ngọt như trăng hay đắng như mật?
Trong Tuần Thánh, ở nhà thì mẹ tôi bảo không nên mở nhạc (dù là nhạc Thánh ca cũng không!), lên nhà thờ thì toàn màu tím, chưng xương rồng gai góc…; thứ Sáu Tuần Thánh, đã ăn chay cả ngày, chiều tối lại tham dự nghi thức Tưởng niệm dài, rồi đi Đàng Thánh Giá: nào đứng, nào quỳ, … Nói chung là mệt! Hồi đó, dù vẫn dự đầy đủ các nghi thức, nhưng tôi có cảm giác Tuần Thánh (cho đến trước đêm Vọng Phục Sinh) là thời gian nặng nề, ảm đạm, có cái gì đó đăng đắng như mật (mật đắng chứ không phải mật ong đâu nhé!)
Đó là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ, tôi có cảm nhận khác. Hướng đến Tuần Thánh, tôi không liên tưởng đến “mật đắng” nữa, nhưng là “mật ngọt”, gần như tuần trăng mật.
Trong Tuần Thánh, Chúa Giêsu không muốn rời xa con người, nên Ngài hiến mình trong Bí tích Thánh Thể để ở bên chúng ta mãi mãi, Chúa không ngại để nói những lời yêu thương với chúng ta. Thánh Gioan nhận ra điều đó “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về Người … và Người yêu họ đến cùng” (Ga 13, 1). Chúa rửa chân cho các môn đệ, và thời nay Ngài cũng Chúa tiếp tục chăm sóc chúng ta qua anh chị em mình: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Dù bị con người phản bội, xúc phạm, đóng đinh, … thì Chúa vẫn “Xin Cha tha cho họ” (Lc 23, 34). Nhiều lần chúng ta thờ ơ với Chúa, để Chúa xuống hàng thứ yếu, xúc phạm Chúa nơi tha nhân, … nói chung là làm Chúa buồn lắm, nhưng chắc hẳn ai cũng từng cảm nhận được sự tha thứ dịu hiền của Chúa. Thế đấy, Tuần Thánh, Người Yêu chúng ta muốn ở với chúng ta.
Chúa Giêsu “yêu cho đến cùng”. Với muôn vàn nỗi xao xuyến, Ngài cần ta ở bên, cần ta chia sẻ những thao thức, những nỗi niềm, những đau khổ, chia sẻ cả những nỗ lực cuối cùng trong thân phận con người để chu toàn Thánh ý Cha. Nếu chúng ta cần giữ bầu khí thinh lặng, cần kiêng khem một chút những thú vui thường ngày như ăn vặt, lướt web, cần chịu mệt mỏi hơn một chút khi tham dự các nghi thức trong Phụng vụ, hay dấn thân hơn trong một việc tử tế, … thì cũng là cách để chúng ta ở gần với Chúa hơn, để nói với Chúa rằng: “Con đây, con hiểu nỗi buồn của Chúa, con hiểu sự mệt nhọc của Chúa, con hiểu nỗi khổ của Chúa … dù một chút thôi! Và Chúa biết cho là con hiểu Chúa yêu con, và con cũng yêu Chúa, dù một chút thôi!”
Về phần mình, khi bước vào Tuần Thánh, chúng ta vẫn có đó những nỗi lo toan của học hành, thi cử, những áp lực của công việc như ngày thường… hay cả tương quan “đắng ngắt”. Nhưng đừng quên rằng Chúa hiểu và trợ giúp chúng ta. Cứ việc nói với Ngài về những khó khăn, yếu đuối của mình. Chắc chắn Chúa sẽ dạy và giúp ta vượt qua. Đó có thể là lời mời gọi sự phó thác, tha thứ, chăm sóc, sửa đổi bản thân, đón nhận thập giá, dành giờ cho Chúa…
Như thế, Tuần Thánh không phải là tuần của màu tím bi thương nhưng là của tình yêu tín trung, không khó chịu vì ép buộc nhưng chịu khó vì tự nguyện, không là nỗi buồn chết chóc nhưng là niềm vui, hy vọng Phục sinh. Nguyện xin cho mỗi người chúng ta sống với Chúa một Tuần Thánh ngọt như tuần trăng mật, để ân sủng và kinh nghiệm tình yêu chúng ta nhận được là nguồn sức sống cho chúng ta suốt năm Phụng vụ.