Tóm tắt
Ngôn ngữ của cái đẹp, phục vụ cho sự thật của Tin Mừng, nó có đặc quyền là chạm đến chiều sâu của những người nam và người nữ thuộc mọi thời đại, nó đưa chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm siêu việt. Đó là con đường của cái đẹp mà trong các thế kỷ, các thế hệ đã trải qua nhờ các nghệ sĩ, những người nuôi dưỡng món quà đức tin, họ đã cưu mang tài năng nhận được như một món quà để phục vụ cộng đồng nhằm liên tục sản sinh đức tin. Trong một thế giới kỹ thuật số nơi mà hình ảnh có sức mạnh truyền thông lớn hơn bao giờ hết, thách đố mà nghệ thuật thánh được mời gọi phải đối diện còn rất cao. Đó là tiếp tục thực hiện chức năng mục tử thuở ban đầu, xem xét lại các truyền thống cổ xưa với ngôn ngữ mới của Tin mừng. Sản sinh cái đẹp là công việc của lòng thương xót bởi vì nghệ thuật có một chức năng an ủi: đó là thức ăn và thức uống tinh thần trong một thế giới đang đói và khao khát cái đẹp.
Những nhận xét này xuất hiện trong đầu khi chúng tôi gặp Barbara Ferabecoli, tác giả của tranh mosaico và cửa sổ kính màu trang trí các nhà thờ, nhà dòng và những nơi linh thiêng trên khắp thế giới: từ Ý đến Madagascar, từ Brazil đến Iraq, từ Hoa Kỳ đến Hồng Kông, từ Trung Quốc Sri Lanka, từ Vương quốc Anh đến Bờ biển Ngà. “Tác phẩm nghệ thuật thánh thì đẹp nếu nó thật và khi có một trái tim sùng đạo chân thành và nỗ lực thực hiện nó. Tôi luôn có một niềm đam mê vẽ. Định hướng của nghệ thuật thánh đã bén rễ theo thời gian với nguồn cội của đức tin», Barbara Ferabecoli giải thích, được đào tạo tại trường của Nga bởi Piotr Merkury, người vừa qua đời, sinh ra trong một trại tập trung của Nga trong một gia đình bị trục xuất đến Siberia và sau đó chuyển đến Ý .
“Nghệ sĩ nói: được ở bên cạnh một nghệ sĩ như Piotr Merkury trong khoảng 20 năm là bài học quan trọng nhất mà tôi hy vọng có thể nhận được, không chỉ giỏi về kỹ thuật đã học được tại Học viện St. Peterbur mà còn là kinh nghiệm khó khăn của cuộc sống đã được bén rễ từ một đức tin rất sâu sắc, lớn lên và sống kiên cường trong bầu khí của chủ nghĩa vô thần bắt buộc. Ông ấy dạy tôi rằng nghệ thuật không phải là một trò đùa và đức tin là một điều gì đó nghiêm túc; không thể chấp nhận cam kết nửa vời, không là một niềm tin với điều kiện, không đạo đức giả, cũng không giả dối “.
Mất bao lâu để chế tạo một cửa kính màu?
«Một khung cửa sổ được sơn hoàn toàn theo các quy tắc kỹ thuật truyền thống của tranh ghép kính cần một thời gian rất dài. Đó là một công việc cẩn thận và tỉ mỉ, không thể làm nhanh. Chính vì vậy rất khó đặt theo logic thương mại. Mặt khác, người nghệ sĩ tự do chọn phục vụ Giáo hội, chỉ là trung gian để thể hiện và truyền đạt một cái gì đó ngoài chính mình, cao hơn, có nghĩa là ít tìm kiếm hư danh hoặc lợi nhuận hơn”.
Những cửa sổ của ông thậm chí cao đến 15 mét. Đâu là thách đố đòi hỏi?
“Nghệ thuật bất hủ cần làm trên một diện tích rộng lớn, tâm trí phải có khả năng bẻ gãy không gian và tổ chức lại nó mà không để lạc lối hoặc bị đe dọa. Nó giống như khi bạn phải đối diện với một tờ giấy trắng lớn. Ngoài ra, dự án còn phải được lồng vào một bối cảnh có trước với một kích thước bắt buộc, có nhiều khía cạnh để xem xét mà thoạt nhìn có vẻ nghiêm ngặt hoặc giới hạn sự tự do của nhà nghệ sĩ, nhưng nó không bao giờ là một trò chơi theo cảm hứng hoặc may rủi”.
Nguồn cảm hứng của ông là gì?
Không thể tạo ra các cửa sổ kính màu mà không viếng thăm các nhà thờ chính tòa theo kiến trúc Gothic tuyệt vời của Châu Âu. Đến thăm nhà thờ thánh Chartres ở Pháp là một kinh nghiệm mà tôi cảm nhận đượ cách chính xác nghệ thuật thánh muốn nói đến điều gì. Nó không chỉ là chủ đề, không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà là niềm tin được thể hiện ngang qua những hình ảnh đó. Chính vẻ đẹp được thể hiện trong sự hài hòa của các hình dạng và màu sắc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật “thánh”, chỉ như thế mọi thứ được phác họa tuyệt vời và bạn cảm thấy đắm chìm trong bình an và niềm vui của đức tin. Để thực hiện những tác phẩm này, nghiên cứu là điều cần thiết. Các bậc thầy thời trung cổ đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá và những bậc thầy về nghệ thuật của Ý cho đến hậu thế kỷ XIX, là một bài học tuyệt vời về sự tài giỏi trong hội họa”.
Tác phẩm của ông không nhằm tự giới thiệu. Rất hiếm khi thấy được chữ ký của ông trên các tác phẩm. Nghệ thuật là một sự phục vụ?
“Nghệ thuật thánh trong lịch sử đã phục vụ Giáo hội với mục đích truyền tải thông điệp Kitô giáo. Sự thể hiện tính cách của cá nhân nghệ sĩ không phải là vấn đề chính. Vai trò của họ được coi là cao quí khi những thỏa mãn cá nhân được xếp vào hàng thứ yếu. Tuy nhiên, điều này không bao giờ phủ nhận sự xuất hiện trong lịch sử của các nghệ sĩ vĩ đại, họ được nhớ đến (ngay cả khi họ không ký nhận trên các tác phẩm của họ) vì tài năng vĩ đại, có khả năng chuyển tải chiều sâu của thông điệp nhờ vào tính phổ quát trong nghệ thuật. Sự thật là đối với các tác phẩm của tôi, chữ kí thường khó đọc, thậm chí khi một cửa sổ kính màu được đặt tại một vị trí trong nhà thờ, ngay cả tôi cũng khó nhận ra đó là tác phẩm của mình. Có một sự tách rời đáng ngạc nhiên đã làm cho tác phẩm đó, thành quả sức lao động của tôi, sự sáng tạo của tôi, mất đi ý nghĩa cá nhân, để trở thành tác phẩm của cả cộng đoàn đón nhận nó “.
Ánh sáng là một yếu tố cơ bản trong nghệ thuật của ông. Nó có giá trị gì?
«Các cửa sổ kính màu không tồn tại trừ khi chúng có ánh sáng xuyên qua. Nguồn gốc của tất cả các nghệ thuật tôn giáo đều có linh hồn là ánh sáng. Đan Viện Phụ Suger, Cha đẻ của Kiến trúc Gô-tíc, đã trang trí Đan Viện Thánh Denis, gần Paris bằng những cửa sổ rạng rỡ nhất với mục đích để chiếu sáng tâm trí của con người bởi vì ngang qua các tác phẩm này con người có thể hiểu được ánh sáng của Thiên Chúa”. Ánh sáng chiếu qua các cửa sổ có giá trị nội tại và siêu việt. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ làm những chiếc cửa kính màu là học bài học của các bậc thầy trong quá khứ để hướng bản thân đến sự biểu lộ tối đa của ánh sáng, cuối cùng để tạo ra hiệu ứng hấp dẫn để thẩm thấu vào các tín hữu và làm cho họ cảm thấy được bao bọc và chào đón ở những nơi linh thánh và trong cầu nguyện”.
Nghệ thuật thánh được mời gọi để nói với thế giới đương đương đại điều gì?
“Không phải là nghệ thuật thánh đang tạo ra những tranh cãi, nhưng đúng hơn khái niệm về sự linh thánh đang mờ nhạt dần và tiến trình suy giảm này được cảm nhận là càng gia tăng hầu hết ở mọi nơi. Sự linh thánh dường như là một trở ngại cho việc giao tiếp hàng ngày. Nó có xu hướng dễ dãi, tầm thường hóa vì lợi ích của sự hiểu biết và tham gia lớn hơn. Tuy nhiên, dường như đã không xảy ra. Tác phẩm nghệ thuật thánh có nhiệm vụ tối cao là đưa những trái tim trở lại con đường của vẻ đẹp, lấp đầy đôi mắt của người nhìn nó bằng cách chuyển tải sự thật của thông điệp Tin Mừng. Nó không phải chịu sự lệ thuộc của bất kỳ sự đơn giản hóa hoặc hiện đại hóa nào được hiểu là làm nghèo nàn đi”.
Xét theo bối cảnh quốc tế, các khách hàng của ông có quan tâm đến nghệ thuật thánh?
“Khi ý thức về sự linh thánh kém dần thì sự quan tâm đến nghệ thuật thánh cũng yếu. Ngay cả trong Giáo Hội, chúng ta tìm kiếm hiệu quả và các giải pháp nghệ thuật được cá nhân hóa đến mức dường như không thể hiểu được thông điệp của các tác phẩm. Nếu như có xu hướng này đối với các khách hàng đã đăng ký, thì ngược lại cũng có một sự quan tâm năng động đến các tác phẩm nghệ thuật thánh đến từ các cộng đoàn Giáo Hội. Có một sự gia tăng ước muốn nhận biết chính mình bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu và phổ biến”.
Làm thế nào để đề xuất cho các thế hệ trẻ tình yêu đối với nghệ thuật thánh?
«Thế giới xã hội dựa trên tốc độ, các nội dung phải ngay lập tức và mọi thứ chỉ mất vài giây xem rồi lướt qua. Chúng ta không thể nghĩ đến việc giải thích các chi tiết cần thiết trong tiến trình sáng tạo, cũng như không thể giải thích bằng lời về ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật. Nếu ngôn ngữ xã hội là hình ảnh thì cần phải duy trì ở mức độ này, nhưng hình ảnh được đề xuất phải hiệu quả đến mức thu hút sự quan tâm của một khách hàng bị phân tâm bởi hàng ngàn lời chào mời khiến họ dừng lại để tò mò. Đây là tia sáng… ước muốn tiến sâu hơn thì ở kia, nó chỉ cần được thắp sáng”.
Tại sao phải nói về cái đẹp với thế giới đương đại?
«Bởi vì sự biến mất con đường của vẻ đẹp là sự xuống dốc của chúng ta, không chạy theo nó có nghĩa là gia tăng trạng thái u mê, trong đó chúng ta có nguy cơ đảo ngược các phạm trù của cái đẹp, sự xấu, sự thật, những giả dối, mất phương hướng hoặc thậm chí tệ hơn là dừng lại để chiêm ngưỡng chính chúng ta. Nếu quan điểm của chúng ta không mở ra cho cái đẹp, các thách đố của thế giới đương đại tất yếu sẽ vượt qua chúng ta. Chúng ta không thể cho phép mình đánh mất ý nghĩa và hướng đi của chúng ta».
Paolo Ondarza
Hồng Vân, fma chuyển ngữ