COLLEGIO – Ngôi Nhà Của Tình Yêu Thiên Chúa
Chủ đề: Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn
TỪ HIẾN LUẬT CỦA FMA
Cùng sống và làm việc nhân danh Chúa, bằng việc làm cho cộng đoàn chúng ta trở thành “ngôi nhà của tình yêu Thiên Chúa” là một yếu tố chính yếu của ơn gọi chúng ta (Hl 49. 62).
Trong Cộng đoàn:
Chúng ta chia sẻ những mối bận tâm và những niềm hy vọng, kinh nguyện, những mục tiêu của hoạt động mục vụ, công việc và những của cải vật chất nhằm phục vụ sứ mệnh của Hội Dòng (Hl.51).
Chúng ta sống theo linh đạo của Hệ thống Giáo dục Dự phòng, tạo nên một môi trường gia đình, nơi đó các thanh thiếu nữ có thể trải nghiệm được tất cả những gì chúng ta loan báo, chúng ta cử hành và chúng ta làm chứng với đời sống (Hl. 36).
Chúng ta đón nhận nhau với niềm kính trọng, quý mến và thông cảm, trong thái độ đối thoại cởi mở thân tình và nhân hậu. Và chúng ta sống tình yêu huynh đệ không chỉ trong những cơ hội lớn, mà còn và nhất là trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống (Hl.50).
Chúng ta sống những giá trị Tin mừng của sự tha thứ và sửa lỗi huynh đệ, nhờ quảng đại thắng vượt mọi giận hờn và dễ tổn thương, bằng việc điều chỉnh những thái độ và lối hành xử không xây dựng sự hiệp nhất huynh đệ (Hl.53).
TỪ KẾ HOẠCH ĐÀO LUYỆN
Đời sống huynh đệ được sống trong một cộng đoàn được xây dựng bởi tinh thần gia đình là một khía cạnh chính yếu của đoàn sủng. Thực sự, các cộng thể của chúng ta được mời gọi để phục vụ Thiên Chúa trong niềm vui và và để làm việc với niềm lạc quan và đức ái mục tử vì Nước Trời (x. Hl 49-50).
Phong cách tương quan của chúng ta được khơi hứng từ nền nhân bản Ki-tô hữu của Thánh Phanxico Sale, được Don Bosco chuyển dịch sang bình diện giáo dục, được làm việc cách thực tế bởi Mẹ Maria Mazzarello và tiếp tục được phong phú hóa bởi các thế hệ đến sau. Thánh Phanxico dậy chúng ta nghệ thuật hướng dẫn đến sự thánh thiện, ơn gọi căn bản của mọi ki-tô hữu, bằng việc dành đặc quyền cho những hiệu quả chậm chạp của tình yêu, sự quân bình giữa lòng khoan dung và tính độc đoán, đánh giá những nguồn lực nhân loại trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
Từ hình mẫu này đã xuất phát nghệ thuật giáo dục trong ánh nhìn tích cực mà các Đấng sáng lập của chúng ta đã chuyển giao và nó được diễn tả trong thiện cảm hướng về đời sống, sự thông cảm đối với con người, lạc quan trong việc giải thích thực tại, đón nhận cuộc sống “trong khía cạnh nhưng không, cái đẹp, khơi lên sự tự do và trách nhiệm” (NVTM 83). Nhãn quan này làm cho nhà giáo dục không đầu hàng hay mất niềm tin khi phải đối diện với ai đó đang trầm mình trong tình trạng nghèo khổ và bất hạnh, nhưng biết để mình được chất vấn bởi họ, tìm thấy nơi họ về ý nghĩa và điểm có thể khơi lên sự thiện nơi mỗi người, một lời mời gọi cho sự đối thoại (24-25).
TỪ TÀI LIỆU CHUẨN BỊ CHO TỔNG TU NGHỊ XXIII
Ngôi nhà, nơi trải nghiệm về gia đình
Trong cộng thể Mornese, ngôi nhà “của tình yêu Thiên Chúa” người ta sống yêu thương và tin tưởng lẫn nhau như trong một gia đình. Trong đời sống của Mẹ Mazzarello có một định hướng cơ bản: Sống tình yêu và cho tình yêu, và đây là một mục tiêu mà Mẹ đã bền tâm hướng dẫn các chị em: “Mỗi bước đi, mỗi lời nói là một hành động tình yêu của Thiên Chúa và được đồng hành bởi ý hướng cứu rỗi một linh hồn”.
Đây là một bầu khí trong đó mọi năng lực được cống hiến cho việc giáo dục người trẻ, để làm chúng trở thành những nhà chuyên môn, đào tạo chúng đến việc sống đời sống Kitô hữu đầy xác tín và dấn thân trong gia đình cũng như xã hội. Ý hướng loan báo Tin mừng ở Mornese và Nizza được cụ thể hóa trong việc chăm sóc các chị em và người trẻ, bằng việc đồng hành với họ trong hành trình đào luyện với sự thận trọng và tình mẫu tử.
Cộng thể được Mẹ Mazzarello sinh động với sự khôn ngoan. Mẹ được xem như “phụ tá của mẹ Maria”, Mẹ Maria “là bề trên thực sự của nhà”, mà thực vậy, Mẹ Maria chính là Đấng khởi hứng và thành lập Hội dòng và mỗi cộng thể. Mẹ Mazzarello đã giáo dục các chị em và các người trẻ đến sự tin tưởng hoàn toàn nơi Mẹ Maria và sống trong sự bảo đảm được Mẹ cứu giúp. Hành động mỗi chiều đặt chìa khóa của nhà dưới chân của tượng Mẹ Maria là một diễn tả cụ thể về điều này.
Sự tin chắc vào sự hiện diện này và sự chú tâm đến việc đào luyện đã góp phần vào việc nhào nắn cộng thể thành một cộng thể được sinh động bởi đức ái theo con tim của Chúa Giê-su. Niềm tin tưởng này được bày tỏ trong đời sống hàng ngày như tình thương mến giữa nhau, sự can đảm, tha thứ, tế nhị trong ứng xử, kiên nhẫn và trong việc “tự do làm tất cả những gì mà đức ái đòi hỏi” (T.35.3).
Đức ái ấy là sự bảo đảm cho một sự phong phú tông đồ, như Mẹ Mazzarello đã nhắn nhủ các chị em truyền giáo đầu tiên: “Mẹ đòi các chị em phải khiêm nhường và bác ái, nếu chị em thực hành những nhân đức này, Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho các chị em và công việc của các chị em sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn lao (T. 68,3).
SUY TƯ CÁ NHÂN
Tôi nghĩ đến những cộng đoàn mà tôi đã sống: Tôi tạ ơn vì mỗi cuộc gặp gỡ và kinh nghiệm đẹp mà tôi có được. Tôi làm hòa với những ai mà có thể tôi đã gây ra sự tổn thương cho họ, tôi xin sự tha thứ vì những thiếu sót trong đức ái của tôi.
Tôi có thể viết xuống bản Magnificat của đức ái huynh đệ cho riêng tôi.
***
Tài liệu tham khảo
CẢM NGHIỆM CỘNG ĐOÀN VÀ ĐỨC MẾN
“Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44). Đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy nếp sống của cộng đoàn tín hữu tiên khởi: hiệp nhất, đồng tâm nhất trí, để mọi sự làm của chung, hưởng theo nhu cầu, chuyên cần cầu nguyện và nghe các Tông Đồ Giảng. Tình huynh đệ trong đời tu cũng muốn hoạ lại theo cách sống này: liên đới cùng chí hướng, chia sẻ kiến thức, sự hình thành và định hướng trong đời tu, một bầu khí hòa hợp để sống đức hạnh, ổn định kinh tế, gương mẫu của các tu sĩ, sự cộng tác hoạt động tông đồ, sự đảm bảo cho công việc được tiếp tục một khi nó vượt quá nỗ lực bản thân, nhất là tình yêu và sự hỗ trợ của cộng đoàn. Ngay cả những khía cạnh khó khăn của đời sống cộng đoàn như sự tuân phục quyền bính, bỏ ý riêng, chịu đựng những khuyết điểm của nhau cũng mang lại nhiều cơ hội để người tu sĩ khổ chế và hy sinh.
Ngày nay, đời sống cộng đoàn không còn nghiêm ngặt như trong những thế kỷ đầu của thời sơ khai trong lịch sử dòng tu. Hiện nay, trong nhiều hội dòng, các tu sĩ được giữ một số đồ dùng như tu phục và sách vở theo nhu cầu cá nhân. Họ có thể sử dụng những đồ dùng cần thiết và được chăm sóc sức khoẻ thích đáng, nhất là ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ, cbảo hiểm y tế là bắt buộc phải có. Có thể có tu sĩ, trước khi vào Dòng có mức sống trung bình, dễ bằng lòng với những tiện nghi tối thiểu. Nhưng cho dù có đầy đủ nhu cầu vật chất, họ cũng không nên coi nhẹ tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn là yếu tố giúp họ tiến đức trong đời sống thiêng liêng. Mặc dù đời sống chung cũng có nhiều cơ hội để phạm lỗi; nhưng nó cũng tạo nên nhiều cơ hội cho đức ái và hy sinh.
Đời sống cộng đoàn không chỉ dừng lại ở việc để của cải vật chất làm của chung; nhưng điều còn quan trọng hơn đó là còn chia sẻ của cải tinh thần nữa: cả tâm trí cả sức lực. Chia sẻ về các nhân đức và tài năng, chia sẻ về tất cả những gì mà người tu sĩ có cũng như những gì tạo nên con người của mình. Đời sống chung vừa hỗ trợ vừa đem mọi của chung ấy để phục vụ lợi ích của cộng đoàn. Người đời làm việc nhằm mưu tìm một cái gì đó; còn người tu sĩ thì không như vậy. Họ làm vì tình yêu Thiên Chúa và cộng đoàn. Họ hiến dâng thời giờ và năng lực của mình cho Giáo Hội. Đây không phải là một vấn đề nhỏ, bởi đã là con người thì còn điều khiếm khuyết; dù đã đi tu, nhưng thử hỏi ai có thể nói mình đã hoàn toàn từ bỏ cách trọn vẹn? Mỗi tu sĩ đều đang trên hành trình hoàn thiện.
Xét theo hướng tích cực, đời sống cộng đoàn cất đi những gánh nặng để người tu sĩ có thể thường xuyên cầu nguyện và làm việc cho tha nhân. Các linh mục và các nữ tu có thể không có nhiều thời giờ để cầu nguyện như họ muốn; nhưng họ vẫn có nhiều thời giờ dành cho vịêc tâm linh hơn các người cha, người mẹ trong các gia đình là những người ít tham dự thánh lễ, rước Chúa mỗi ngày.
Đời sống cộng đoàn được đặt nền tảng trên ba lời khấn, nó cho phép các tu sĩ thể hiện đức mến trong đời sống. Đời sống chung tại các tu viện là một trường học chiêm niệm. Nếu người tu sĩ còn cầu nguyện ở cấp độ thấp thì đời sống cộng thể chuẩn bị cho họ cầu nguyện ở cấp độ cao hơn; vì đời sống cộng đoàn đòi hỏi việc thực hành các nhân đức, đặc biệt tình bác ái huynh đệ. Thánh Gio-an Thánh Giá cho rằng đời sống chung không chỉ an ủi và nâng đỡ, nhưng còn thách đố và thử thách người tu sĩ. Ở đây chúng ta không cần phải kể thêm những phiền toái thường gặp trong đời sống cộng đoàn. Để chịu đựng được những phiền toái này trong cuộc sống, đòi mỗi người phải luyện tập nhiều nhân đức.
Bằng việc tự chế sự nông nổi của cảm xúc và đam mê, các nhân đức luân lý chuẩn bị cho cầu nguyện cao. Truyền thống đan tu mang đến cho thuật ngữ nói trên một ý nghĩa rất chính xác: nó nói lên cuộc chiến nội tâm để đạt được việc tinh thần chế ngự trên vật. Nếu như các đam mê làm cho con người say đắm của cải vật chất, nhục dục, vinh hoa phú quý, quyền thế cao xa, vvv, thì các nhân đức giúp tái lập sự bình an trong tâm hồn và hòa thuận trong cộng thể. Chẳng hạn như, đức công bằng giúp dẫn tới việc chiêm niệm nhờ trả lại cho người khác điều mà người đó có quyền được hưởng, như vậy loại bỏ được mọi nguyên nhân của những xung khắc và bất hòa. Xét một cách nào đó, một lời nói xấu, nói hành có thể phạm đến lẽ công bình một khi không cho đương sự có cơ hội giãi bày nỗi lòng, hoặc tự biện minh cho mình. Đối lại với sự xấu này, sự thinh lặng nội vi đã ngăn chặn được nhiều tội lỗi.
Khổ chế Kitô giáo, trong nghĩa rộng, bảo vệ tinh thần khỏi mọi ảnh hưởng của thế gian và khuyên người ta chiến thắng sự dữ bằng cách sáng tạo sự thiện. Người tu sĩ được mời gọi để kiến tạo một cộng thể của tình yêu thương bác ái, không giống như kiểu cách trần thế. Cách thực hành khổ chế cũng không ngoài việc kiến tạo con người tu sĩ và cộng đoàn. Truyền thống đan tu, tiếp nối truyền thống ẩn tu, đã khai triển chiều kích tình yêu, lòng mến tha nhân cùng sự khổ chế. Điều này gây ấn tượng tích cực: nói lên tình yêu tuôn tràn và sự êm đềm hoàn vũ đối với mọi tạo vật.
Thánh Gioan, bậc thầy nói về lòng yêu mến, nhấn mạnh mẫu mực của tình yêu này, đó là cảm nhận về tình Chuá yêu ta trước hết: “Vì thế, chúng ta hãy yêu thương nhau vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được của Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình.” (1Ga 4,19-21).
Đời sống cộng đoàn cũng đưa người tu sĩ dễ cầu nguyện, vì tình huynh đệ diễn tả sự hiệp nhất như sự hiệp nhất của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chân lý này gợi hứng cho thánh Âu-tinh để nói rằng: “Nơi đâu có yêu thương, ở đó có Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện”. Đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là đời sống “cộng đoàn”.
Đời sống thánh hiến của người tu sĩ nơi cộng đoàn chuẩn bị cho họ trở thành vị tông đồ của tình yêu, vì nó khơi lên trong họ tình yêu tha nhân được đặt nền tảng trên các nhân đức vững bền. Người tu sĩ tự nguyện chia sẻ gánh nặng, những hy sinh của đời sống chung. Nếu người tu sĩ không yêu thương tha nhân thì những buổi cầu nguyện lâu giờ, những tiết học vất vả, việc tuân giữ tỉ mỉ lề luật sẽ trở nên vô ích và không bao giờ đưa người tu sĩ đến cầu nguyện được. Như thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có lòng bác ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay được cả lòng tin có thể chuyển núi dời non, mà không có lòng bác ái, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1Cr 13,1-2).
Đời sống chung có những khía cạnh tuyệt vời, nhưng không dễ dàng sống đời sống ấy, vì hiện nay có nhiều trở ngại cho đời sống huynh đệ. Nhưng nếu đón nhận được hy sinh và khắc phục các khó khăn trong đời sống chung, sẽ huấn luyện người tu sĩ trong đức ái. Đây là nhân đức trọng tâm của đời tu. Đức ái được khơi dậy trong cầu nguyện nơi tu viện sẽ chan hòa ra cho tha nhân trong các tương quan gặp gỡ khác.
“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5,4). Mối phúc thứ hai trong Bát Phúc mời gọi mỗi người chúng ta suy nghĩ về một nhân đức khiêm nhường trong đời tu. Trong đời tu, thường người ta nghe nói nhiều đến metanoia; mà một khi chú trọng đến hoán cải, đời sống thiêng liêng khởi đi trong khiêm nhu. Nơi các nhà khổ chế, sự khiêm hạ có nghĩa là nghệ thuật đứng trúng vào chỗ của mình; trong Tin Mừng cho chúng ta nhiều mẫu gương, thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Maria, vvv. Thánh Tôma Aquinô định nghĩa khiêm nhường là nhìn nhận khả năng mình có là gì, bởi động lực của khiêm nhường là mọi sự đều bởi Chuá ban, tất cả là hồng ân.
Câu chuyện người có hai bàn tay phải làm ví dụ điển hình cho chúng ta: anh có thói quen đặt mọi niềm vui nhận được hằng ngày vào bàn tay phải, mọi nỗi sầu khổ vào bàn tay trái. Và bàn tay trái lúc nào cũng đầy. Nhưng nhờ khiêm nhường, ông chuyển mọi sự bên tay trái sang tay phải, và đời ông đầy ánh sáng vui tươi.
LINH ĐẠO LÀM MÔN ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN
Hình ảnh Tông Đồ Đoàn trong Tin Mừng cho thấy kiểu mẫu quy tụ các Tông Đồ là vòng tròn đồng tâm. Nhóm thứ nhất là các môn đệ, trong đó nhóm 3 người là Phêrô, Giacôbê và Gioan là nhóm cận thân với Đức Giêsu nhiều hơn. Nhóm này đã đi theo Đức Giêsu trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu. Kế đó là nhóm 72 (Lc 10,1), cùng nhóm phụ nữ đi theo Người, và nhóm đám đông dân chúng. Nhóm cuối cùng này không đi thường xuyên với Đức Giêsu, mà chỉ đi theo trong những dịp đặc biệt. Do vậy, chúng ta có thể kể nhóm môn đệ 12, nhóm 72 và nhóm các phụ nữ nhiệt thành. Đời sống Kitô hữu mang tính cộng thể (cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mà sách Công Vụ nói đến).
Dù linh đạo khác nhau tuỳ theo mỗi Hội Dòng, nhưng điểm chung của đời sống cộng đoàn là đi theo Đức Giêsu trong một nỗ lực cố gắng tập thể. Đó là điểm thứ nhất trong yếu tố cộng đoàn môn đệ. Yếu tố thứ hai: đây là cộng thể làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh. Cả nhóm 12 và nhóm các bà là những chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh. Và các cộng đoàn tu trì quy chiếu vào cộng đoàn kiểu mẫu này để xây dựng và phát triển.
1. Những yếu tố để làm môn đệ trong cộng đoàn
Vị thế nổi bật của Đức Kitô: Trung tâm điểm của nhóm 12 là Đức Giêsu. Các môn đệ thân thiết với Đức Giêsu, sống và cảm nhận về Người, đồng thời tham gia vào hai sứ vụ: để ở với Người và thi hành sứ vụ Chuá trao (3,13-14). Kết hiệp với Đức Giêsu là điểm chủ yếu của đời người môn đệ: thân mật với Đức Giêsu Kitô, tin vào Đức Giêsu, hiệp nhất với Người, là nền tảng cho đời sống chung. Cộng đoàn này được thành lập nhờ Lời Chuá và quy tụ quanh Lời. Do vậy, cộng đoàn phải vượt qua những ranh giới huyết thống và địa dư, để đạt đến nét bên trong, trong đó hạt nhân để xây dựng cộng đoàn chính là tình yêu: yêu thương và hiệp thong.
Xây dựng và tái thiết cộng đoàn: Chương 18 trong Tin Mừng Mátthêu cho thấy Đức Giêsu dạy các môn đệ về một số thực hành để xây dựng cộng đoàn: Phục vụ, sửa lỗi huynh đệ, cầu nguyện chung, tha thứ cho nhau. Việc phục vụ noi theo gương của Đức Giêsu, Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; việc sửa lỗi huynh đệ căn cứ trên đức mến và những giá trị nhân bản, tha thứ vô điều kiện; đời sống cầu nguyện và chuyên cần lắng nghe Lời Chuá, trong thân ái huynh đệ và cử hành Bữa Tiệc của Chuá (Cv 2,42). Những hình thức đó giúp xây dựng cộng đoàn, và lo cho sứ vụ. Hai nét này được nối kết trong một tình mến.
2. Cộng đoàn làm môn đệ Đức Kitô
Kiểu mẫu cộng đoàn cơ bản của các tín hữu sơ khai là điển hình cho đời tu trì. Một cộng đoàn kiểu mẫu có hai mục tiêu: xây dựng Giáo Hội và giúp cho ngôi vị thể hiện ơn gọi của mình. Cộng đoàn là nơi để thánh hoá cá nhân theo nghĩa tích cực: là nơi để hoán cải theo ánh sáng Tin Mừng, là nơi phù hợp để lắng nghe Lời Chuá và đi tìm Thánh Ý Thiên Chuá, là nơi học tập phục vụ, liên đới, xả kỷ trong đời sống hằng ngày. Một cộng đoàn của những thành viên với nét đang dạng, hiệp nhất trong tổng thể của một cộng đoàn, chung một lý tưởng, một sứ vụ và một dự phóng Tin Mừng. Do vậy, việc thánh hoá bản thân song hành với việc thánh hoá cộng đoàn.
Đây là một cộng đoàn của cảm nghiệm, chứ không phải một cộng đoàn mang tính chức năng. Đây là một cộng đoàn được Thần Khí Chuá hướng dẫn, hoạt động. Việc cùng lắng nghe Lời Chuá, chia sẻ cầu nguyện, cử hành phụng vụ với tất cả niềm tin, vvv còn mạnh thế hơn là đặt nền trên những tri thức nhân loại. Cũng trong môi trường đó, tu sĩ được mời gọi sống cảm nghiệm hồng ân, ngay cả việc sửa lỗi và hoà giải, là những thực hành chủ yếu để xây dựng cộng đoàn.
Chiều kích thần học không loại trừ chiều kích nhân loại. Nguyên tắc thần học kinh viện cho thấy “ân sủng không phá hủy tự nhiên, nhưng kiện toàn nó”. Những dự phóng cộng đoàn, những nét phong phú của đặc tính, văn hoá địa phương, lịch sử của một đời người, … vừa làm phong phú cộng đoàn, vừa là thách đố. Điều cần thiết là biết áp dụng những kiến thức nhân loại để giảm nhẹ gánh nặng của đời sống chung, và hướng nhiều hơn về chiều kích tâm linh. Thiếu óc thực tiễn cũng có nguy cơ gây xung khắc, lỗi lầm trong đời sống cộng đoàn, bởi đôi khi ta có thể đòi hỏi ở cộng đoàn quá nhiều, trong khi chưa biết hy sinh vì cộng đoàn.
Cuối cùng, việc là tu sĩ trong cộng đoàn được nhìn nhận là căn bản khi tu sĩ biết đào sâu căn tính đời, đặc biệt là đời sống cộng đoàn. Điều này giúp người tu sĩ đứng vững trước những ảnh hưởng của xã hội, và ngay cả trước những khó khăn trong đời sống.