Lưu Dung chuyển ngữ
Nguồn: cgfmanet.org
Rôma (Ý). Vào lúc 9:34 sáng ngày 31.12.2022, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã qua đời ở tuổi 95, tại dinh thự của ngài ở Tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican, trong lời cầu nguyện và sự gần gũi được diễn tả từ khắp nơi trên thế giới, kể cả không Công giáo.
***
Thật vậy, trong buổi tiếp kiến hôm thứ Tư 28.12, do tình trạng sức khỏe ngày càng suy giảm do tuổi cao, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin “lời cầu nguyện đặc biệt” cho Đức nguyên Giáo hoàng “đang bệnh nặng”, để xin Chúa an ủi và nâng đỡ, “trong chứng từ về tình yêu đối với Giáo hội cho đến cùng”.
Sr. Chiara Cazzuola – Bề trên Tổng quyền Hội dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, thay mặt cho toàn thể Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ trên thế giới, bày tỏ tâm tình tri ân Thiên Chúa vì quà tặng là Đức Bênêđictô XVI cho Giáo hội:
“Hôm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã rời chúng ta để về Nhà Cha và kinh nghiệm niềm vui phục sinh.
Vào thời điểm mà sự chú ý của thế giới đang tập trung vào hình ảnh và công việc của vị Giáo hoàng vĩ đại và khiêm nhường này, chúng ta cũng nhận thấy cần tưởng nhớ đến ngài để nói lời cảm ơn ngài, vì cuộc đời của ngài, vì món quà của ngài là lời cầu nguyện và sự chuyển cầu không ngừng cho Giáo hội và cho nhân loại, cho chứng từ sáng ngời của ngài.
Mẹ nhớ rằng Mẹ đã rất xúc động trước điều mà Đức Bênêđictô XVI đã nói bằng tiếng Đức với một nhóm đồng hương khi nói về cuộc bầu cử của ngài.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đắc cử hay tôi đã làm việc để biến nó thành hiện thực, nhưng tôi có thể nói với các bạn rằng khi tôi thấy thời gian đang đến gần, tôi đã nghĩ ‘cho đến giờ này tôi tin rằng công việc của đời mình đã kết thúc và những năm tháng yên bình hơn đang chờ đợi tôi. Vì vậy, tôi đã nói với Chúa, Chúa ơi, hãy tha cho con điều này; Ngài có những ứng viên trẻ hơn, giỏi hơn, nhiệt tình hơn và mạnh mẽ hơn con’. Nhưng rõ ràng là trong tình huống này, Chúa đã không thể lắng nghe tôi. Trong những ngày đó, điều làm tôi xúc động là một lá thư nhỏ do một thành viên của Mật nghị gửi cho tôi. Ngài nhắc tôi nhớ đến bài giảng của tôi trong tang lễ của Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của tôi. Trong dịp đó, tôi đã chọn lặp lại lời cầu nguyện: Nếu Chúa kêu gọi bạn, hãy vâng lời và đừng từ chối. Anh em nhắc nhở tôi rằng chính tôi đã nhắc đi nhắc lại rằng đừng phủ nhận điều đó và rồi tôi không còn chọn lựa nào khác và tôi đã nói xin vâng…”.
Ngày 19.4.2005, một vị Giáo hoàng, khi rời Nhà nguyện Sistine, đã định nghĩa rõ ràng về mình bằng một giọng xúc động và bình tĩnh: “Sau Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại, các Hồng y đã bầu chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa.” Và ngài đã coi mình là người giản dị và khiêm tốn, mặc dù vẻ ngoài nghiêm túc và khắc khổ nhưng bên trong lại là một trái tim đầy ngọt ngào và tốt bụng, lịch sự và hóm hỉnh. Vào thời điểm đó, ngài đã nói rằng ngài không có “kế hoạch” nhưng ngài muốn “cùng với toàn thể Giáo hội lắng nghe lời và ý muốn của Chúa.” Và như vậy, ngài đã thực hiện bằng cách lắng nghe thực tại, những nhu cầu và ước muốn của nhân loại, đặt mình trong thái độ đối thoại và cởi mở trong cuộc gặp gỡ giữa văn hóa và thần học, quý trọng tất cả những hạt giống tốt lành của thời đại chúng ta. Ngài lắng nghe thánh ý Chúa được thể hiện trong sự mong manh của mình và không do dự rời khỏi Chức vụ khi cảm thấy không đủ sức khỏe để gánh vác trọng trách của triều đại giáo hoàng.
Đối diện với chứng cứ về các vụ bê bối và chủ nghĩa tham danh vọng trong Giáo hội, ngài kêu gọi Giáo hội đừng sống theo thế tục để cống hiến chính mình cho mọi người và thực sự mở ra với thế giới. Ngài đã công bố Năm Đức Tin, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, bởi vì ngài ý thức về một tình trạng ‘sa mạc hóa’ thiêng liêng, một tình trạng để lại một khoảng trống và quét sạch mọi quy chiếu về Thiên Chúa nhưng từ đó nhân loại có thể tái khám phá giá trị của những gì thiết yếu và ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Với tư cách là Hội dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, chúng ta nhớ đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã gửi Thư ngày 21.01.2008 cho giáo phận và thành phố Rôma, trong đó ngài nêu bật tình trạng khẩn cấp về giáo dục bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng xã hội do thuyết tương đối về văn hóa và đạo đức gây ra và bởi những biến đổi to lớn về văn hóa – xã hội.
Huấn quyền phong phú của ngài thôi thúc chúng ta trở thành những người yêu mến sự thật trong Giáo hội và như là một Giáo hội, can đảm cởi mở đối thoại, can đảm tạo ra sự hiệp nhất và những con đường hòa bình trong Giáo hội và xung quanh chúng ta.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã hoàn thành cuộc lữ hành trần thế của mình với một tâm trí sáng suốt, tiếp cận với kinh nghiệm đầy đủ ý thức về những ‘thực tại cuối cùng’ mà ngài đã can đảm nghĩ và nói về chúng như một số người khác, nhờ đức tin đã được đón nhận và sống. Với tư cách là nhà thần học và là Giáo hoàng, ngài đã nói với chúng ta về điều đó cách sâu sắc, đáng tin cậy và thuyết phục. Những trang sách và những lời của ngài về cánh chung, thông điệp về niềm hy vọng vẫn là một món quà cho Giáo hội mà lời cầu nguyện thầm lặng của ngài đã đóng dấu ấn trong những năm dài ẩn dật ‘trên núi’.
Là các Con Đức Mẹ Phù hộ, chúng ta cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô tạ ơn Chúa vì đã làm phong phú nơi con người của Đức nguyên Giáo Hoàng, nơi Giáo Hội hình ảnh một Người Cha và Vị Mục Tử giàu lòng nhân ái và một tôi tớ trung thành của Lời.
Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, Matteo Bruni, thông cáo rằng tang lễ sẽ được tổ chức vào thứ Năm, ngày 05.01.2023, lúc 9:30 tại Quảng trường Thánh Phêrô, do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự, theo yêu cầu của Đức nguyên Giáo hoàng rằng mọi thứ đều đơn giản (như ngài đã sống).
Joseph Ratzinger, sinh ra ở Marktl, Đức, vào ngày 16.4.1927, là Tổng Giám mục Munich và Freising và được Đức Giáo hoàng Phaolô VI tấn phong Hồng y vào năm 1977. Ngày 19.4.2005, sau khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời, ngài được bầu làm Giáo hoàng thứ 265 của Giáo hội Công giáo, lấy hiệu là Bênêđictô XVI. Ngài tiếp tục thừa tác vụ Phêrô cho đến ngày 28.02.2013, ngài xin từ chức, sau đó lui về Tu viện Mater Ecclesiae để cầu nguyện.