img-detail
calendar 18/04/2024

Tài liệu, Lectio Divina và PowerPoint trình bày về Lễ Ghi ơn Thế giới 2024

Download file PowerPoint trình bày về lễ Ghi ơn 2024

Download file Lectio Divina

 

Dẫn nhập: Trong những chương đầu của Tin mừng, Thánh Mátthêu bắt đầu bằng việc trình bày về Chúa Giêsu và sứ mệnh của Người. Tiếp đến, ông kể lại việc hiện thực sứ vụ này. Bằng lời nói và hành động, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ và cho đám đông dân chúng biết về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn loan báo và cho mọi người khác cảm nghiệm về sự sống, sự tốt lành và niềm vui mà Thiên Chúa ban cho những ai đón nhận Ngài.

Về sứ điệp được các tiên tri công bố trong bài giảng này, Chúa Giêsu đi theo một con đường đặc biệt. Người bắt đầu bằng từ “phúc cho”, nghĩa là: hạnh phúc...

Các mối phúc là con đường cụ thể để biến đổi thế giới này thành một thế giới của tình huynh đệ, công lý và hòa bình.

Cầu xin Chúa Thánh Thần: XIN NGÀI HIỆN DIỆN

1/ Chúng con cầu xin sự hiện diện của Ngài, lạy Chúa,

chúng con cầu xin sự hiện diện của Ngài, Xin hãy đến với chúng con.

Xin hãy đến với chúng con, Đấng Ủi An, ban bình an và khiêm nhường.

Nước hằng sống tình yêu, chúng con mở rộng lòng chờ đón Ngài.

 

ĐK: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ngự xuống trên chúng con!

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ngự xuống trên chúng con!

Hãy đến với chúng con, Lạy Chúa Thánh Thần!

Hãy đến với chúng, ngự xuống trên chúng con!

Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống, xin Chúa Thánh Thần

ngự xuống trên chúng con, ngự xuống trên chúng con.

 

2/ Chúng con cầu xin sự hiện diện của Ngài, lạy Chúa,

chúng con cầu xin sự hiện diện của Ngài, xin hãy đến với chúng con.

Hãy đến hỡi ánh sáng của tâm hồn, Đấng ban sức mạnh và lòng trung thành.

Ngọn lửa tình yêu vĩnh cửu, chúng con dâng cuộc đời này cho Chúa.

 

ĐK: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ngự xuống trên chúng con!

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ngự xuống trên chúng con!

Hãy đến với chúng con, Lạy Chúa Thánh Thần!

Hãy đến với chúng, ngự xuống trên chúng con!

Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống, xin Chúa Thánh Thần

ngự xuống trên chúng con, ngự xuống trên chúng con.

HƯỚNG DẪN: Với quyền năng thiên sai của mình, Chúa Giêsu ban giới luật mới của Nước Trời cho mọi thành viên trong vương quốc mới của Thiên Chúa: Con đường hạnh phúc chắc chắn, dù mới mẻ và nghịch lý. Ngài tuyên bố phúc cho những người nghèo đói, những người khóc lóc và đau khổ, những người có lòng thương xót biết tha thứ, những người có tâm hồn ngay thẳng và trong sạch, những người thúc đẩy hòa bình và loại trừ bạo lực, những người bị bách hại vì lòng trung thành với Thiên Chúa. Chúa Giê-su công bố các mối phúc cho mọi người sẵn sàng đi theo con đường của Ngài.

Tất cả: Chúng ta không thể được chúc phúc “nếu chúng ta không hoán cải, nếu chúng ta không trân trọng và sống trong ân sủng của Thiên Chúa”. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Buổi đọc kinh Truyền Tin, 29.01.2017)

Hướng dẫn: Những lời này của Chúa Giêsu, ngay cả khi chúng có vẻ thi vị, rõ ràng là đi ngược lại với những gì thường lệ, những gì xẩy ra trong xã hội; và mặc dù thông điệp này của Chúa Giêsu làm chúng ta say mê, nhưng trên thực tế, thế giới đang dẫn chúng ta đến một lối sống khác. Các Mối Phúc Thật không phải là một cam kết nhẹ nhàng hay hời hợt; trái lại, chúng ta chỉ có thể sống những điều đó nếu Chúa Thánh Thần thấm nhập chúng ta bằng tất cả sức mạnh của Người và giải thoát chúng ta khỏi sự yếu đuối ích kỷ, lười biếng và kiêu ngạo. (Cf. Tông huấn Hãy Vui Mừng & Hân Hoan)

Tất cả: “Chúa Giêsu thể hiện ý muốn của Thiên Chúa là dẫn con người đến hạnh phúc, Thông điệp này đã có sẵn trong lời rao giảng của các tiên tri: “Chúa gần gũi những người nghèo khó và bị áp bức và giải thoát họ khỏi những kẻ ngược đãi họ'". (ĐGH Phanxicô)

Hướng dẫn: Đoạn Tin mừng này nói với bạn điều gì? (Chúng ta cùng dõi theo phong cách của Thầy Giêsu)

Tin Mừng theo Thánh Mattheu (Mt 5, 1-12)

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc cho những ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay những ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà người ta sỉ nhục, bách hại và vu khống đủ mọi điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.

ĐOẠN TIN MỪNG NÀY NÓI GÌ VỚI TÔI, VỚI BẠN, VỚI CHÚNG TA HÔM NAY?

Đọc lại văn bản. Tôi suy ngẫm và kiểm tra bản thân để xem liệu tôi có nhận ra mình trong các mối phúc được Chúa Giêsu công bố hay không.

(Giây phút im lặng ngắn để thấm Lời. Nhạc nền)

Hướng dẫn: Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Hãy vui mừng và hân hoan” giúp chúng ta suy ngẫm về các mối phúc: “Mục tiêu của ta là khiêm tốn: làm cho lời kêu gọi nên thánh vang vọng một lần nữa, cố gắng thể hiện nó trong bối cảnh hiện tại, với những rủi ro, những thách đố và cơ hội, bởi vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta “để trở nên thánh thiện và vô tội trước sự hiện diện của Ngài trong tình yêu”. (x. Eph 1, 4).

GIỌNG 1: Chúa Giêsu, trong bài giảng về Các Mối Phúc Thật, chỉ cho chúng ta con đường đón nhận hồng ân Thiên Chúa này.

Thật vậy, các mối phúc - hạnh phúc ...

 - không gì khác hơn là những lời đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng, qua việc đón nhận món quà sự sống của chúng ta, sẽ dẫn chúng ta đến Vương Quốc của Ngài.

Tất cả: Chấp nhận, duy trì, phát triển và kiên trì xây dựng Vương quốc này trên thế giới: đây là con đường hướng tới sự thánh thiện.

Hướng dẫn: Thoạt nhìn, các thái độ sống được Chúa Giêsu đưa ra vào thời của Ngài ngày nay vẫn chưa được coi trọng: làm sao người nghèo, người đau khổ, người bị bách hại có thể hạnh phúc được?

Câu trả lời được tìm thấy ở phần thứ hai của mỗi mối phúc, vì tất cả chúng đều hội tụ ở một điểm: tham dự vào Nước Thiên Chúa.

GIỌNG 2:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Tin mừng mời gọi chúng ta nhận ra sự thật trong tâm hồn mình, để xem chúng ta đặt sự an toàn cho cuộc sống mình ở đâu. Vì lý do này, Chúa Giêsu gọi những người có tinh thần nghèo khó là hạnh phúc, những ai có tâm hồn nghèo khó, tâm hồn mà Chúa có thể bước vào với sự đổi mới không ngừng của Ngài.

Thánh Luca không nói đến sự nghèo khó “trong tinh thần”, nhưng chỉ nói đến “nghèo” (x. Lc 6,20), qua đó mời gọi chúng ta sống một cuộc sống khắc khổ và thiết yếu. Bằng cách này, ngài mời gọi chúng ta chia sẻ cuộc sống với những người túng thiếu nhất, cuộc sống mà các tông đồ đã sống và cuối cùng là lời mời gọi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng “giàu có trở nên nghèo khó” (2 Cor 8, 9). (X. Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 67,68,70)

Mọi người: “Sự Thánh thiện là có Tâm hồn nghèo khó”.

GIỌNG 3: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”

Làm sao người sầu khổ lại có thể vui được? Trong khi đó, những ai chưa từng trải qua nỗi buồn, thống khổ hay đau khổ trong cuộc sống sẽ không bao giờ biết được sức mạnh của sự ủi an. Ngược lại, hạnh phúc có thể là những người có khả năng cảm động, cảm nhận được trong lòng nỗi đau hiện hữu trong cuộc sống của chính họ và của người khác. Những người này sẽ hạnh phúc vì bàn tay dịu dàng của Thiên Chúa Cha sẽ chăm sóc và an ủi họ.

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là biết khóc với người khác”.

Giọng 1: «Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”

Dù điều đó dường như không thể, nhưng Chúa Giêsu đề xuất một phong cách khác: hiền lành. Đây là điều Ngài đã thực hiện với các môn đệ của Ngài, và chúng ta chiêm ngưỡng khi Ngài vào Giêrusalem: “Kìa Đức Vua đang đến với ngươi, hiền lành, cưỡi trên lưng lừa con” (Mt 21, 5; x. Zech 9, 9).

Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi”.

Sự hiền lành là một lối sống đưa chúng ta đến rất gần Chúa Giêsu. (X. Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 71, 72)

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là biết phản ứng với sự hiền lành, khiêm tốn”.

GIỌNG 2: «Phúc thay ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ. »

“Sự công bằng này bắt đầu trở thành hiện thực trong cuộc sống của mỗi người, bằng việc đưa ra những quyết định đúng đắn, và sau đó được thể hiện trong việc tìm kiếm công lý cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. Đúng là từ công chính có thể đồng nghĩa với việc trung thành với ý muốn của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời của chúng ta, nhưng nếu chúng ta cho nó một ý nghĩa rất chung chung, chúng ta quên rằng điều này được thể hiện đặc biệt trong công lý ủng hộ những người không có khả năng tự vệ: «Hãy tìm kiếm lẽ công bằng, giúp đỡ người bị áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. » (Is 1,17). (Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate số 79)

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là khao khát đi tìm sự công chính”

GIỌNG 3: “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót.”

“Lòng thương xót có hai khía cạnh: đó là cho đi, giúp đỡ, phục vụ người khác, nhưng cũng là tha thứ và thấu hiểu. Thánh Mattheu tóm tắt điều đó bằng một nguyên tắc vàng: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. (7,12). Sách Giáo lý nhắc nhở chúng ta rằng luật này phải áp dụng “cho mọi trường hợp”, đặc biệt khi ai đó “phải đối mặt với những tình huống khiến cho việc phán xét luân lý kém chắc chắn hơn và các quyết định khó khăn hơn”. (Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate số 80).

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là biết nhìn và hành động với lòng thương xót

GIỌNG 1: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Trong Kinh Thánh, trái tim biểu thị những ý định thực sự của chúng ta, những gì chúng ta thực sự tìm kiếm và mong muốn, vượt xa vẻ bề ngoài:

“Con người nhìn thấy bên ngoài, nhưng Chúa nhìn thấy tấm lòng” (1 Sam 16, 7). Chúa nói với con tim (x. Hos 2,16) và mong muốn thiết lập lề luật của Người trong trái tim (x. Jer 31,33). Cuối cùng, Người muốn ban cho chúng ta một trái tim mới (x. Ez 36,26). (Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 83)

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là giữ tâm hồn trong sạch khỏi mọi thứ làm hoen ố tình yêu”.

GIỌNG 2: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

“Mối phúc này khiến chúng ta nghĩ đến vô số hoàn cảnh chiến tranh vẫn tồn tại theo thời gian. Người hiền hòa là nguồn gốc của hòa bình, họ xây dựng hòa bình và tình bằng hữu xã hội. Đối với những người quan tâm đến việc gieo rắc hòa bình, Chúa Giêsu đưa ra một lời hứa tuyệt vời: “họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9). (Cf. Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 87-88).

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là gieo hòa bình chung quanh chúng ta”.

GIỌNG 3: “Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”.

Chúa Giêsu nhớ đến vô số người đã và đang bị bách hại vì đã đấu tranh cho công lý nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa và tha nhân. Để sống Tin mừng, chúng ta không thể hy vọng rằng mọi thứ xung quanh chúng ta đều thuận lợi cho chúng ta, bởi vì những tham vọng quyền lực và lợi ích trần thế thường xuyên ngự trị trong chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ gặp được hạnh phúc khi “họ nói đủ điều vu khống chúng ta, vì danh Người”. (Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 90, 91, 94)

TẤT CẢ: “Sự thánh thiện là mỗi ngày bước theo đường lối Phúc âm, ngay cả khi điều này gây ra vấn đề phiền phức cho chúng ta”.

Hướng dẫn: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Các Mối Phúc là GPS (Hệ thống Định vị Toàn cầu) của đời sống Kitô hữu.

Trong số tất cả các mối phúc, ngài chọn một mối phúc và nói rằng: “Tôi không nói đó là chìa khóa” cho tất cả các mối phúc, “nhưng nó khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều”:

Các Thánh cố gắng đi theo con đường này do Chúa Giêsu vạch ra, ý thức được những giới hạn của bản thân. Thực vậy, trong cuộc sống trần thế, họ nghèo khó về tinh thần, đau khổ vì tội lỗi, hiền lành, đói khát công lý, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì công lý. Và Thiên Chúa đã làm cho họ thành những người tham gia vào niềm hạnh phúc của chính Ngài. Họ đã nếm trước điều đó ở thế giới này, và trong tương lai, họ tận hưởng nó một cách trọn vẹn. Bây giờ họ được an ủi, là những người thừa kế của trái đất, được thỏa mãn, được tha thứ, Họ nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng mà họ là con cái. Tóm lại: “Nước Trời thuộc về họ” (x. Mt 5, 3,10).

CẦU NGUYỆN VÀ CHIÊM NGẮM

ĐIỀU GÌ ĐOẠN KINH THÁNH GIÚP TA CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA?

Tôi lắng nghe tác động của Chúa Thánh Thần trong sâu thẳm của tâm hồn và để cho Lời Chúa chất vấn mình.

Tôi muốn thưa với Chúa điều gì trong lúc này?

Đâu là cái nhìn mới của tôi khởi đi từ Lời Chúa?

Chúng ta hãy nhìn thế giới và cuộc sống bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Loại bỏ khỏi lối suy nghĩ và hành động của chúng ta những gì không đến từ Thiên Chúa, những gì không phù hợp với các Mối Phúc, GPS của chúng ta, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng ta.

Bài hát kết: PHÚC CHO AI XÓT THƯƠNG (ĐHGT Krakow 2016)

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/phuc-cho-ai-xot-thuong-dai-hoi-gioi-tre-the-gioi-krakow-2016-va.78JRxNnjxpSc.html

https://www.youtube.com/watch?v=xM9AnIB_dqk

Nhìn về Thiên Chúa thiết tha nguyện xin, ơn cứu giúp con từ đâu?
Ơn thiêng cứu giúp chính do tay của Người, là Thiên Chúa nhân từ.
Khi con xa bước Chúa đã thương tìm con, ấp trên cánh tay dịu dàng.
Máu thánh chan chứa xóa tan bao tội nhơ và ban chính nguồn sống mới.

Diễm phúc những ai xót thương, phúc cho ai xót thương, yêu thương anh em mình, Họ được Chúa tỏ lòng dủ thương. (2l)

Ngày ngày nếu Chúa mãi nhớ bao tội tình, có ai đứng vững được chăng?
Nhưng hay thương xót, Chúa thứ tha tội ta, nào ta bước đi theo Người.

Diễm phúc những ai xót thương, phúc cho ai xót thương, yêu thương anh em mình, Họ được Chúa tỏ lòng dủ thương. (2l)

Vì này Thiên Chúa đã xóa tan tội đời, Chúa đã sống lại hiển vinh,
Vang câu tuyên tín khắp nơi trên trần gian,
Giêsu chính Ngài là Chúa.

Diễm phúc những ai xót thương, phúc cho ai xót thương, yêu thương anh em mình, Họ được Chúa tỏ lòng dủ thương. (2l)

Đẩy lùi hãi sợ một niềm xác tín, phó thác tất cả vào đôi tay Người,
Vì Người phục sinh cho ta tươi sáng niềm hân hoan
Chúa chính là sự sống.

Diễm phúc những ai xót thương, phúc cho ai xót thương, yêu thương anh em mình, Họ được Chúa tỏ lòng dủ thương. (2l)


Chuyển ngữ: Sr. Teresina Tươi. FMA