img-detail
calendar 03/05/2024

Suy niệm Lời Chúa - Chúa Nhật VI Phục Sinh năm B

Yêu như Chúa yêu

Lm. Gioan B. Trần Văn Hào, SDB

Ngạn ngữ Pháp có câu : “Ra đi là chết trong lòng một ít” (Partir c’est mourir en peu). Cuộc ra đi nào cũng hàm ngậm bao lưu luyến, có khi kèm theo cả nước mắt lẫn ngậm ngùi. Cuộc từ biệt của Chúa Giêsu cũng vậy. Trong những giây phút thầy trò quấn quít bên nhau với bao vương vấn, Chúa cũng để lại những lời tâm huyết sau cùng như một di chúc thiêng liêng. Những lời di chúc đó vẫn thường được các nhà chú giải gọi là ‘Diễn từ biệt ly’. Hôm nay, Giáo hội đọc lại cho chúng ta những lời tâm huyết này với lời nhắn nhủ của Chúa : “Thầy để lại cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Giới răn mới

Yêu thương là đạo lý căn bản của cuộc sống con người. Triết gia Aristotle đã nói : “Tính hẹp hòi và ích kỷ sẽ biến con người trở nên dã thú. Trái lại, khi chúng ta biết sống yêu thương với lòng nhân ái, chúng ta sẽ trở nên như thần thánh”. Triết lý Á Đông cũng đề cao phương châm ‘Tứ hải giai huynh đệ’, mọi người bốn bể đều là anh em với nhau. Học thuyết của các tôn giáo khác cũng dạy con người phải sống từ bi, công bình và bác ái. Vì vậy, người ta vẫn thường hay nói rằng đạo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành, chẳng có tôn giáo nào cổ xúy việc thù hận và chém giết cả.

Nếu như thế, đạo lý Kitô giáo có gì khởi sắc và mới lạ? Tại sao sống yêu thương lại là giới răn mới mà Chúa đã truyền thụ lại cho các học trò của mình?

Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta hãy bình thản đọc lại và suy gẫm những điều Chúa nói hôm nay, nhất là phải đặt mình vào trong bối cảnh của bữa tiệc ly, lúc Chúa Giêsu chuẩn bị đi vào hành trình Thập giá và tiến nhận cái chết. Sứ điệp yêu thương mà Chúa nói đến, không phải là những sáo ngữ rỗng tuếch giống như những lời hiệu triệu nặng tính hình thức của các lãnh tụ chính trị trên khắp thế giới. Họ nói rất hay, họ nêu ra những khẩu hiệu nghe rất hoành tráng, nhưng cuộc sống thực tế của họ có khi khác hẳn. Trái lại, huấn lệnh mà Chúa Giêsu ngỏ trao cho các môn sinh trong bữa tiệc ly là lời cắt nghĩa cụ thể về mầu nhiệm Thập giá, nơi đó Chúa Giêsu đã hiển thị những lời giáo huấn bằng hành động. Ngài đã trao ban tất cả và vẫn còn yêu thương mãi mãi cho đến vô tận.

Đây là giới răn mới, vì đó là cái khung của giao ước mới, giao ước được ký kết bằng máu đã đổ ra trên Thánh giá, thay cho máu của chiên bò trong giao ước cũ. Giới răn yêu thương Chúa nói ở đây không chỉ dừng lại trên bình diện nhân bản, nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới mang chiều kích thánh thiêng. Hãy ‘Yêu như Thầy đã yêu’. Tình yêu ở đây đã được thần hóa, không phải chỉ là những tình cảm thuần túy nhân lọai, nhưng đi sâu vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, bởi vì bản tính của Thiên Chúa chính là tình yêu. Thánh giáo phụ Basiliô đã viết : “Vì yêu thương, Thiên Chúa đã mang lấy kiếp người, để khi đáp trả và sống hoàn hảo ơn gọi tình yêu, con người sẽ được trở nên Thiên Chúa”. Giới răn mới Chúa nói tới hệ tại ở điểm mấu chốt này.

Những bài học minh họa

Đức Giêsu không phải là một lý thuyết gia. Ngài cũng không dạy các học trò bằng sách vở hay bằng những bài học mô phạm trên lý thuyết. Ngài dạy dỗ bằng chính cuộc sống cụ thể của mình, và cao điểm là chính cái chết của Ngài trên Thánh giá. Vì vậy, chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể khẳng quyết : “Không ai có tình yêu cao cả cho bằng người dám hiến thân vì bạn hữu”. Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa còn minh họa bài học yêu thương bằng hành vi khiêm hạ, cúi xuống để rửa chân cho các học trò. Việc rửa chân, theo phong tục của người Do Thái, là những công việc chỉ dành cho các ‘Oshin’, những người nô lệ được ông chủ mua về để phục dịch. Vì thế, sau khi rửa chân, Chúa đã giải thích cho các môn đệ : “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13, 14)”.

Chúa Giêsu đã thực hiện những nghĩa cử yêu thương và ban những giáo huấn thân tình cho các môn sinh trước lúc lên đường thụ nạn. Phía trước Ngài là cả một bóng tối dầy đặc của sự chết do tội lỗi con người gây ra. Ngài cảm thấu và thấy trước sự phản bội chua chát của Guiđa. Ngài biết những yếu đuối của Phêrô khi ông nhát đảm chối bỏ vị tôn sư khả kính. Chúa cũng nhìn thấy sự ghê tởm và hung hãn của các đầu mục Do Thái cũng như của toàn dân khi họ đồng thanh đả đảo và kết án Ngài như một tên tướng cướp. Nhưng Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả vì một động cơ duy nhất, đó là tình yêu dành cho con người. Vì thế ngay từ đầu diễn từ biệt ly, thánh ký Gioan đã viết : “Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).

Yêu thương và tha thứ

Tình yêu mà Chúa Giêsu thể hiện hàm ngậm sự tha thứ vô điều kiện. Đứng trước sự phản bội của Guiđa, Chúa Giêsu đã không kết án anh ta. Ngài chỉ buồn bã thốt lên : “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Đứng trước sự yếu nhược của Phêrô, ánh mắt của Chúa đã quét ngang khuôn mặt của ông tại sân nhà thượng tế Caipha và khơi dậy nơi vị tông đồ cảm thức thống hối. Cũng vậy, đối diện trước sự hung hãn và tàn bạo của những kẻ giết mình, Đức Giêsu vẫn lên tiếng cầu nguyện : “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Giới răn mới mà Chúa Giêsu nói hôm nay luôn đi đôi với lòng bao dung và sự tha thứ. Học nơi Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ vội vã kết án người khác, nhưng hãy tự lục soát lương tâm, xem mình đã thực hành luật yêu thương ấy như thế nào. Chúng ta đừng chỉ đấm ngực mình và đọc lớn tiếng ‘Lỗi tại tôi’ trong nhà thờ khi đi dự lễ, còn khi bước chân ra bên ngoài, chúng ta lại cứ thích ‘đấm nhầm’ qua ngực của người khác, bằng cách nói hành nói xấu hoặc đổ lỗi cho nhau, thậm chí còn vu khống cả những anh chị em đang sống bên cạnh mình.

Kết luận

Người ta vẫn thường nói : “Con đường dài nhất chính là con đường đi từ cái đầu đến đôi tay”. Là Kitô hữu, chúng ta đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần giáo huấn về luật yêu thương. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là chúng ta đã hiểu giáo huấn đó ra sao, nhưng chính là việc chúng ta đã sống và thực hành giới răn đó trong cuộc sống hằng ngày như thế nào.