img-detail
calendar 25/03/2024

Sứ mạng truyền giáo tại đất nước Mauritania

Ban Truyền Giáo FMA VTN

“Mauritania ở đâu?” - Có lẽ đây là câu hỏi đầu tiên của các chị em khi được gặp Sr. Maria Ánh Nguyệt, một nữ tu truyền giáo thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolo đang phục vụ tại một quốc gia với cái tên nghe rất xa lạ này.


Ngày 21/3/2024, nhân cơ hội đến thăm người bạn học từ thuở thiếu thời là Sr. Maria Tuyết Nhung - Phó Giám Tỉnh tại Tam Hà, Sr. Maria Ánh Nguyệt đã dành thời gian để chia sẻ về sứ mạng truyền giáo của Sơ tại đất nước Mauritania. Sơ cho biết đây là đất nước mà hầu như là người Hồi giáo, các Ki-tô hữu chỉ là thiểu số với khoảng 4.500 người.



Mautinania, tên chính thức là Cộng hòa Hồi Giáo Mauritanie, nằm ở khu vực Tây Phi là một phần trong sa mạc Sahara vì thế khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Ban ngày nhiệt độ có thể lên đến 46, 47 độ C, ban đêm xuống khoảng 1 độ C. Với khí hậu thay đổi đột ngột, khô hanh và nóng bức bởi bao quanh là các sa mạc cát rất hiếm cây xanh nên thời gian đầu khi mới đến đây, các nhà truyền giáo thường bị sốc nhiệt và đau bệnh. Đó có lẽ cũng là khó khăn đầu tiên của Sr. Maria Nguyệt khi hội nhập với vùng đất này.


Sơ được sai đến truyền giáo tại Mauritania từ năm 2012 và làm việc giữa những người Hồi Giáo tại Nouakchott. Tại đây các Sơ học nói tiếng Ả Rập hay còn gọi là Hassanya để giao tiếp với người dân. Cộng đoàn của Sơ có 4 nữ tu với ba quốc tịch khác nhau: Tây Ban Nha, Colombia và Việt Nam. Công việc hàng ngày của các Sơ là chăm sóc trẻ khuyết tật, thăng tiến phụ nữ và trẻ em trong Trung tâm huấn nghiệp, thăm viếng và phát thuốc cho người nghèo ở xa thành phố. Các Sơ được người dân địa phương đón nhận và quý mến cũng như có rất nhiều cơ hội khác nhau để phục vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều thách đố như: khí hậu khắc nghiệt, thiếu tài chính, khác biệt về ngôn ngữ, đặc biệt là thiếu nhân sự.


Sr. Maria Nguyệt chia sẻ: nhiều lần sơ nản chí và muốn trở về vì thấy những nỗ lực của mình trong việc thăng tiến người dân dường như không có kết quả. Không phải vì các nhà truyền giáo không hết lòng, nhưng bởi người dân có nhiều thói quen lâu đời rất khó thay đổi. Ví dụ như: tuy nghèo nhưng lại không có thói quen làm việc và cũng không biết dành dụm. Ngày nào có tiền thì tiêu xài hết, thậm chí tiêu tiền vào những thứ không cần thiết và chính đáng. Bên cạnh đó, người phụ nữ dường như không làm bất cứ công việc gì. Họ không có thói quen làm việc nhà. Họ vẫn còn giữ chế độ đa thê, đàn ông có thể lấy một lúc rất nhiều vợ, còn phụ nữ nếu không lấy được chồng, thì họ tự mặc định người đó sẽ không được lên Thiên Đàng. Không những thế, vì đã quen nhận được sự hỗ trợ nên dần hình thành nơi họ thói quen chỉ biết nhận mà không nghĩ phải tự mình làm ra đồng tiền.


Bên cạnh đó, ở Mauritania, các nhà truyền giáo không được minh nhiên để mang trên mình Thánh Giá. Vì đối với người Hồi giáo, đó là dấu chỉ của sự dữ, của ma quỷ. Họ tin Chúa Giê-su như một ngôn sứ nhưng không tin vào việc Chúa chịu chết và họ cũng không thờ kính những gì liên quan đến Mẹ Maria. Có một điều phải hết sức lưu ý khi đến đây, đó là phải rất cẩn trọng khi nhắc đến Mu-ha-mad. Tất cả những ai nói phạm đến Mu-ha-mad đều bị kết án tử. Vì thế, việc cải đạo theo Ki-tô giáo là một điều hết sức khó khăn và nguy hiểm cho người dân. Gần 14 năm ở đây, Sơ chỉ thấy được một trường hợp duy nhất xin theo đạo Công giáo, nhưng họ phải rời Maurinatina và sống ở một quốc gia khác để đảm bảo an toàn cho tính mạng.

Về mặt Tôn giáo, người Hồi giáo khá khắt khe, nhưng khi sống gần người Hồi giáo, Sơ thấy họ sống hòa thuận, tốt bụng và dường như không có sự ganh ghét. Họ mau làm hòa và sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng tôn trọng ý kiến của người khác nếu đó là điều hợp lý đối với họ. Đó là một trong những điểm sáng và đặc nét của người Hồi giáo tại đây. Bên cạnh đó, họ cũng rất tôn trọng các nhà truyền giáo vì Giáo Hội Công Giáo tại đây đã tạo được một uy tín lớn với chính phủ và người dân.


Khi được hỏi đâu là điều cần thiết nhất cho một nhà truyền giáo khi sống ở vùng đất này? Sr. Maria Nguyệt chia sẻ: nhà truyền giáo thực sự phải có niềm tín thác vào Chúa và sự khiêm nhường. Khiêm nhường để hạ mình xuống, mở ra học hỏi, tôn trọng và đi bước trước đến với những người dân. Từ đó, mới dễ dàng hiểu, thông cảm và hòa nhập với cuộc sống của người dân nơi đây. Không những thế, Sơ cũng chia sẻ chân thành rằng: nhà truyền giáo cũng phải can đảm để dám đối thoại và nói lên những suy nghĩ của mình khi họ chất vấn mình về niềm tin, nhất là những lúc họ muốn mình cải sang đạo Hồi như họ.



Khi phục vụ tại mảnh đất của những sa mạc cát khô cằn này, Sr. Nguyệt thấy mình dần hiểu, thông cảm và yêu người dân nơi đây nhiều hơn. Sơ cũng cảm nhận rằng người dân thương mến các nhà truyền giáo. Có lẽ đó cũng là sức mạnh giúp sơ vượt qua những khó khăn để tiếp tục sống cho sứ mạng truyền giáo tại vùng đất khô nóng này. Sơ cảm nghiệm rằng, trong hành trình truyền giáo mình đã nhận được những “phép lạ” như việc học ngôn ngữ hay làm các giấy tờ để được cư trú tại Mauritania…Vì vậy, Sơ khích lệ các chị em hãy mạnh dạn và can đảm ra đi truyền giáo. Dẫu biết rằng việc truyền giáo tại Mauritania còn đó nhiều khó khăn, thách đố, đòi hỏi sự kiên trì, tín thác, can đảm và cả “sự trả giá” của các nhà truyền giáo. Nhưng ngay cả khi không thể làm được gì, thì chỉ sự hiện diện của các nhà truyền giáo cũng đã là một sứ điệp để người Hồi giáo biết rằng trên thế giới này còn có các Ki-tô hữu.



Buổi chia sẻ khép lại với lời cám ơn và cầu nguyện cho sứ mạng truyền giáo của sơ tại Mauritania. Cám ơn sơ, người nữ tu Nữ Tử Bác Ái đầy quả cảm, với nụ cười và ánh mắt trong sáng bộc lộ một tâm hồn mạnh mẽ và gan dạ nhờ luôn gắn bó với Chúa Giê-su. Xin Chúa chúc lành cho sự quảng đại, hy sinh mà sơ và các nhà truyền giáo đang ngày đêm miệt mài lao tác tại Mauritania. Tin rằng, những hạt mầm của sự hi sinh thầm lặng mà các nhà truyền giáo đã và đang gieo vãi sẽ nảy mầm vào giờ của nó để rồi trổ sinh những bông hạt dồi dào cho vùng đất này.