img-detail
calendar 28/03/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Sáu tuần Thánh

MẦU NHIỆM THINH LẶNG CỦA TÌNH YÊU

(Is 52:13 – 53:12; Hr 4:14-16; 5:7-9; Ga 18:1 – 19:42)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Phụng vụ hôm nay tập trung vào thập giá của Chúa Giêsu. Nghi thức hôm nay được gọi là “Suy Tôn Thánh Giá.” Như chúng ta biết, bị đóng đinh trên thập giá là một trong những hình phạt tàn bạo nhất mà người Rôma dùng để trừng trị phạm nhân. Hình phạt này chỉ được sử dụng cho các nô lệ và không bao giờ được áp dụng cho các công dân La Mã. Trong thời đó, thập giá chính là “ác mộng” của các phạm nhân, nhất là những phạm nhân chống lại La Mã. Nếu thập giá là một “ác mộng” khủng khiếp cho mọi người thời đó, nhất là cho các phạm nhân, tại sao chúng ta lại suy tôn thập giá? Thánh giá có gì đặc biệt để chúng ta suy tôn? Chúng ta để lời Chúa trả lời cho chúng ta lý do tại sao chúng lại suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay.

Ngôn sứ Isaia, qua bài ca thứ tư người tôi tớ của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay, cho chúng ta hay rằng chính người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ “được suy tôn đến tột cùng” (Is 52:13). “Hình ảnh biến dạng” của người tôi trung của Thiên Chúa được Isaia mô tả trong bài đọc 1 chính là hình ảnh của Đức Giêsu được Thánh Gioan trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Người tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người nữa, cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ” (Is 52:14-15). Hơn thế nữa, “người tôi tớ của Thiên Chúa [Đức Giêsu Kitô] chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như một kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:2-3). Một Đức Kitô, không còn dáng v con người, bị treo trên thập giá, có đáng để suy tôn không? Nếu thập giá là “ác mộng” và Đấng bị treo trên thập giá “không còn dáng vẻ con người,” thì chúng ta có lý do gì để suy tôn hôm nay?

Ngôn sứ Isaia đưa ra cho chúng ta những lý do mà qua đó người tôi trung của Thiên Chúa được suy tôn và những lý do đó được hoàn thành nơi Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta suy tôn thánh giá với những lý do sau:

Thứ nhất, trên thập giá, “chính Người [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53:4): Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn “mang lấy những bệnh tật” của dân chúng và chữa lành họ. Những đau khổ chúng ta Ngài cũng gánh chịu và chia sẻ với chúng ta. Ngài không chỉ đau khổ với chúng ta, nhưng còn đau khổ vì và cho chúng ta. Đây chính là lý do thứ nhất Chúa Giêsu được Chúa Cha tôn vinh và được chúng ta suy tôn. Lý do đầu tiên mời gọi chúng ta, trong khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay, là hãy biết dâng lời tạ ơn Ngài vì đã mang lấy bệnh tật và gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi để mang lấy bệnh tật và gánh chịu những đau khổ của anh chị em chúng ta.

 Thứ hai, trên thập giá “chính Người [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của chúng ta” (Is 53:5-6). Chúa Giêsu bị đâm thâu vì chúng ta đã phạm tội. Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của chúng ta hầu đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và bình an. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta được mời gọi nhìn lại cuộc sống của mình để dc lòng tránh những lỗi lầm đã đâm thâu vào con tim của Chúa Giêsu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi trở nên khí cụ hoà giải hầu mang bình an đến cho anh chị em của chúng ta.

Thứ ba, trong mầu nhiệm thập giá “bị ngược đãi, [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu]  cam chịu nhục nhã, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.” (Is 53:7-8). Khi nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra ở đó một Con Người rất “hiền lành và khiêm nhường,” một Con Người với những lời thì thầm thật ngọt ngào: “hãy đến với ta hỡi những ai mang gánh nặng nề. Ta sẽ cho ngh ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”

Thứ tư, trong mầu nhiệm thập giá “Người [Người tôi trung của Thiên Chúa—Chúa Giêsu] đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53:8-9). Chúa Giêsu bị đánh phạt vì tội lỗi của chúng ta. Ngài đón nhận hình phạt dù Ngài không phạm tội. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho tính tự ái chiến thắng chúng ta. Chúng ta có thể chịu thiệt một tí, hoặc đơn giản nói lời “xin lỗi,” để có thể cứu được các tương quan mà chúng ta đã gầy dựng và vun đắp từ lâu. Nhưng chúng ta đã không làm điều đó. Hôm nay khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chấp nhận hình phạt cho người khác, dù chúng ta không lỗi phạm.

Thứ năm, trên thập giá “nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53:11). Chính qua đau khổ của mình, Chúa Giêsu làm cho tất cả chúng ta được nên công chính. Như vậy, thập giá chính là “công cụ” mà qua đó Chúa Giêsu sử dụng để đánh bại thần chết và làm cho chúng ta nên công chính. Khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đón nhận những nỗi thống khổ của mình và của người khác để sinh ích cho người khác.

Thứ sáu, Ta [Thiên Chúa] sẽ ban cho Người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, Người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53:11-12). Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã được ban cho mọi vinh quang, danh dự trên trời và dưới đất. Và chúng ta được mời gọi để được chia sẻ vinh quang và danh dự với Ngài. Khi suy tôn thánh giá Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được mời gọi từ bỏ những của cải chóng qua thuộc về mình, để chia sẻ với Chúa Giêsu trong gia sản không bao giờ tàn phai của Ngài.

Để hiểu thêm về ý nghĩa của phụng vụ hôm nay, chúng ta cùng nhau để Lời Chúa trong bài Tin Mừng hướng dẫn chúng ta. Thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết ý nghĩa của phụng vụ hôm nay: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19:37). Thật rõ ràng là chúng ta không suy tôn thập giá hay thánh giá, nhưng chúng ta suy tôn “Đấng bị treo trên thập giá.” Như chúng ta đã trình bày, chính thập giá là một nỗi kinh hoàng cho mọi người, nên không có gì để suy tôn. Tuy nhiên, Đấng bị đóng đinh trên đó thì đáng được suy tôn vì Ngài là Vua các vua và Chúa các chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta câu chuyện “đáng buồn,” nhưng “đáng yêu” nhất trong lịch sử nhân loại. “Đáng buồn” vì con người đã kết án và đóng đinh cách tàn ác Đức Chúa của họ vào thập giá; nhưng “đáng yêu” vì Đấng bị kết án và đóng đinh đã biến thập giá trở nên phương tiện cứu độ con người qua mọi nơi và mọi thời. Tất cả chúng ta thường tập trung vào những điểm “đáng buồn” mà quên đi những điểm “đáng yêu” của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì vậy, chúng ta tập trung vào một vài điểm “đáng yêu” trong Tin Mừng hôm nay để sống cho “đáng yêu” khi suy tôn thập giá Chúa Giêsu hôm nay.

Điểm “đáng yêu” đầu tiên là sự “đi bước trước” của Chúa Giêsu trong các cuộc đối thoại của Ngài với mọi người, cả với những người bạn cũng như kẻ chống đối. Khi những kchống đối đến bắt Ngài, Chúa Giêsu bình thản tiến ra và hỏi họ chính câu hỏi mà Ngài đã hỏi các môn đệ đầu tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt là khi hỏi các môn đệ đầu tiên Chúa Giêsu hỏi họ, “các anh tìm gì?” còn khi hỏi những người đến bắt Ngài, Chúa Giêsu hỏi, “các anh đi tìm ai?” Qua hai câu hỏi này, một câu bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai của Ngài và một câu kết thúc cuộc đời rao giảng công khai, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta cái gì quan trọng nhất trong cuộc sống: không phải “cái gì” mình đang tìm kiếm là quan trọng nhưng là “người” chúng ta đang tìm kiếm mới quan trọng. Đây chính là điểm “đáng yêu” thứ nhất mà chúng ta cần tập trung vào trong phụng vụ hôm nay. Chúa Giêsu chết vì “những gì chúng ta là” chứ không phải vì “những gì chúng ta có.” Vì vậy, chúng ta được mời gọi đặt giá trị và nhân phẩm của chúng ta và của người khác lên trên những giá trị vật chất mà chúng ta có. Điều này sẽ làm cho chúng ta trở nên đáng yêu hơn khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này.

Điểm “đáng yêu” thứ hai là thái độ bình thản của Chúa Giêsu khi đối diện với “chén Chúa Cha trao cho Ngài.” Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đối diện với chén đắng cuộc đời với thái độ khó chịu, giận dữ, hận thù và thất vọng. Khi suy gẫm cuộc thương khó của Chúa Giêsu hôm này, chúng ta được mời gọi đối diện với những chén đắng với sự bình thản và tràn đầy tin yêu.

Điểm “đáng yêu” thứ ba là “cái nhìn” không kết án của Chúa Giêsu dành cho Phêrô. Chính cái nhìn đầy yêu thương và tha thứ này đã cải hoá Phêrô và biến ông trở nên người sẵn sàng chết để làm chứng cho tình yêu tuyệt đối vô điều kiện đó. Học ở điểm “đáng yêu” này, chúng ta được mời gọi để nhìn người khác với ánh mắt cảm thông và tha thứ khi họ lầm lỗi trong cuộc  sống. Ánh mắt hận thù và ánh mắt yêu thương, bạn thích ánh mắt nào?

Điểm “đáng yêu” thứ tư là thái độ “can đảm” của Chúa Giêsu để bảo vệ sự thật: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho sự sợ hãi hay tính cả nể chiến thắng chúng ta để rồi chúng ta không can đảm làm chứng cho sự thật. Điểm “đáng yêu” thứ tư mời gọi chúng ta bỏ đi lối sống giả tạo của mình để đứng về phía sự thật. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi tránh thái độ “bóp méo sự thật” đã làm cho người khác đau khổ.

Điểm “đáng yêu” thứ năm là việc Chúa Giêsu khẳng định với Philatô về vương quốc của mình: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Qua lời khẳng định này, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở cho chúng ta về quê hương thật của mình. Quê hương thật của chúng ta không thuộc về thế gian này, nhưng là quê trời, nơi không còn tiếng than khóc và đau khổ. Qua cái chết, Chúa Giêsu đã mở rộng cánh cửa Nước Trời cho chúng ta.

Điểm “đáng yêu” thứ sáu là thái độ quan tâm và yêu thương cho đến cùng của Chúa Giêsu: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:26-27). Chúa Giêsu biết từ nay Mẹ Maria sẽ không còn người thân để nương tựa, nên Ngài đã lo liệu cho Mẹ. Ngài đã trao phó Mẹ cho người môn đệ yêu quý chăm sóc. Đây là điểm đáng yêu xảy ra dưới chân thập giá, nơi mọi người sẽ được đưa vào trong “gia đình mới” của Chúa Giêsu. Hình ảnh này mời gọi chúng ta quan tâm và yêu thương người khác, lo lắng cho những nhu cầu của họ hơn của chúng ta. Nói cách khác, điểm “đáng yêu” thứ sáu mời gọi chúng ta mở rộng cõi lòng để “rước anh chị em” của mình vào trong “nhà mình” để yêu thương, chăm sóc và chia sẻ cuộc sống với họ.

Điểm “đáng yêu” thứ bảy và cũng là cuối cùng chính là sự “khát” của Chúa Giêsu, sự khát cho linh hồn chúng ta, những tội nhân. Trước khi phó thác thần khí vào tay Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thốt lên, “Ta khát.” Câu này gợi cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu đang nói chuyện với người phụ nữ Samaria: “Này chị, xin cho tôi ít nước. Tôi khát.” Trong câu chuyện đó, chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giêsu không khát nước cho bằng khát tình yêu của chị. Đây chính là cái khát của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài khát tình yêu của chúng ta, hay nói đúng hơn, Ngài khát sự “đáp trả” của chúng ta trước tình yêu tha thứ và dịu hiền của Ngài. Hãy làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu bằng một quyết định thay đổi, bằng một quyết định từ bỏ tật xấu như một lời đáp trả lại tình yêu tuyệt đối của Ngài!