img-detail
calendar 24/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Lễ thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng

TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA GIÊSU

(1 Pr 5:5b-14; Mc 16:15-20)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng. Thánh Máccô là người trở lại đạo bởi Thánh Phêrô. Sau đó, thánh nhân đi theo Thánh Phêrô đến Rôma và làm việc như “thư ký riêng” hoặc “thông dịch viên” của Thánh Phêrô. Khi thánh Phêrô viết thư thứ nhất của mình cho những giáo hội ở Asia, thánh nhân đã một cách đầy yêu thương kết hợp lời chúc của mình với lời chúc của “người con Máccô của tôi.” Các tín hữu Rôma đã nài xin Máccô viết lại cho họ toàn bộ những phần quan trọng trong những bài giảng của Thánh Phêrô về cuộc đời Chúa Giêsu. Theo truyền thống cổ xưa, Thánh Máccô được sai đến Ai Cập để thiết lập giáo hội tại Alexandria. Ở đây, các môn đệ của thánh sử đã trở nên những mẫu gương về đời sống đạo đức và cầu nguyện. Thánh sử cũng thiết lập một trường học đầu tiên ở Alexandria, là nơi đào tạo ra nhiều tiến sĩ của Giáo Hội và nhiều giám mục. Sau khi chăm sóc địa hạt của mình nhiều năm, một ngày kia thánh Máccô bị bắt bởi những người cầm quyền ngoại giáo. Họ đã trói thánh sử vào một phiến đá và ném vào ngục. Ngày hôm sau, thánh sử tiếp tục bị đánh đòn và ngược đãi. Trong đau khổ, thánh sử đã được an ủi bởi một thị kiến về thiên thần và giọng nói của Chúa Giêsu, và thánh sử đã trút hơi thở cuối cùng để đón nhận triều thiên vinh quang. Thánh sử đặc biệt được tôn kính ở thành phố Venice, nơi thi hài của ngài được lưu giữ.

Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phêrô trong lời chào đã gọi Máccô là “con tôi”: “Hội Thánh ở Babylon, cũng được chọn như anh em, và Máccô, con tôi, gửi lời chào anh em. Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương. Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Kitô, được bình an” (1 Pr 5:13-14). Điều này cho thấy, thánh Máccô có một mối tương quan rất mật thiết với thánh Phêrô. Tuy nhiên, điều để chúng ta suy gẫm là những lời khuyến dụ của thánh Phêrô cho các Kitô hữu. Trong lời khuyến dụ của mình, thánh Phêrô chỉ ra những điều sau đây là quan trọng cho đời sống người Kitô hữu: (1) đức khiêm nhường [“Anh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (c. 5b-6]; (2) hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa [“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (c. 7)]; (3) sống tiết độ [“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (c. 8)]; (4) đứng vững trong đức tin [“Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế (c. 9)]. Nhìn bốn điều quan trọng cho đời sống người Kitô hữu, chúng ta có được điều nào không? Nếu chưa, chúng ta hãy bắt đầu từ bây giờ để trở nên những người “viết lại” cuộc đời của Chúa Giêsu trên cuộc đời của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay được xem là phần kết dài được thêm vào Tin Mừng Thánh Máccô sau này vì nó khác với phần con lại về ngôn ngữ và lối viết. Nội dung chính của bài Tin Mừng là việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể rút ra những ý sau để suy gẫm cho ngày sống của mình.

Thứ nhất, những ai tin vào lời rao giảng của các môn đệ sẽ được cứu độ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16:15-16). Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài trở nên những người loan báo Tin Mừng. Là những người loan báo Tin Mừng, người môn đệ trước tiên phải là người tin và có tấm lòng qung đại cũng như sẵn sàng đi đến bất kỳ nơi đâu, sống trong bất cứ môi trường nào vẫn giữ cho mình niềm vui của người mang Tin Mừng. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho mình bị điều kiện hoá bởi nơi chốn và những người cùng sống với chúng ta, để rồi chúng ta đánh mất niềm vui Tin Mừng và trở thành những người “sống trong mùa chay muôn thuở” – là những người luôn phàn nàn, nói xấu và đ lỗi cho người khác, nhất là không bao giờ trao cho người khác một nụ cười của tình thương mến. Đừng để bất cứ điều gì cướp mất niềm vui Tin Mừng!

Thứ hai, Chúa Giêsu chỉ ra những dấu lạ được ban cho những người tin: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18). Những người môn đệ Chúa Giêsu sẽ làm được những việc cao trọng với điều kiện họ phải làm tất cả nhân danh Ngài. Điều này ngụ ý rằng: không có Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ không làm được gì. Những thành quả tốt đẹp người môn đệ thu lượm được đến từ Chúa Giêsu. Vì vậy, người môn đệ phải ý thức rằng: khi không kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì những gì làm ra không phải đến từ Chúa Giêsu.

Cuối cùng, các môn đệ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu khi Ngài được đưa lên trời. Nhưng dù được đưa lên trời, Chúa Giêsu cũng vẫn tiếp tục hiện diện với họ trong công việc rao giảng Tin Mừng: Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20). Những lời này mang lại cho chúng ta sự ấm áp khi biết rằng Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chính Chúa Giêsu là Người thực hiện những dấu lạ để cng cố những gì chúng ta giảng dạy. Ở đây chúng ta thấy mình được mời gọi “làm việc chung” với Chúa Giêsu và để Ngài thực hiện những kỳ công trên cuộc đời chúng ta hầu mang Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo. Chúng ta có để Chúa Giêsu hoạt động với và trong chúng ta không?